Do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, Việt Nam đang đối diện với cả hai tình trạng: suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì, ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Con nhà giàu cũng… suy dinh dưỡng
“Theo kết quả của tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009, có khoảng 1,54 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) nhẹ cân và khoảng 2,59 triệu trẻ em bị SDD thấp còi. Tỷ lệ trẻ bị SDD tỷ lệ thuận với kinh tế của hộ gia đình: Tại các hộ nghèo tỷ lệ SDD là 26,5%, hộ cận nghèo là 24,2%, hộ trung bình là 20,1%. Đặc biệt, trong những gia đình giàu, thậm chí rất giàu thì tỷ lệ trẻ SDD cũng khá cao, lần lượt là 13,8% và 6,3%”, TS.Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho hay.
Nhân viên y tế xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa kiểm tra sức khỏe cho trẻ suy dinh dưỡng. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, do thiếu kiến thức về nuôi dưỡng trẻ nhỏ nên tỷ lệ trẻ bị SDD trong những gia đình khá giả có xu hướng ngày một tăng. BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh cho hay: “Có khoảng 8% trẻ dưới 5 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh bị nhẹ cân hoặc thấp còi. Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh mỗi ngày khám 500 cháu nhỏ có vấn đề về dinh dưỡng, phần lớn các cháu bị SDD và là con cái trong các gia đình có kinh tế khá giả. Nguyên nhân chính do các bà mẹ ngày càng thiếu thời gian cho trẻ, đặc biệt thiếu kiến thức về việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ”.
Theo BS Diệp, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thực ra không quá khó nhưng nhiều bà mẹ ở các vùng ven, ngoại thành chưa cập nhật được thông tin. Còn ở một số quận nội thành, việc thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vẫn bị lơ là, thậm chí nhiều người còn cho trẻ bú sữa ngoài từ ngay sau khi sinh. Thiếu kiến thức về 4 nhóm thực phẩm cần cho bé (nhóm chất đạm, tinh bột, chất béo, nhóm giàu vitamin và chất khoáng), nên trong thực đơn của các bé chủ yếu là những loại thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, chất đường. Do đó, còn rất nhiều khó khăn trong việc hạn chế tình trạng trẻ ở nông thôn bị SDD, và kiểm soát việc gia tăng tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở khu vực thành thị.
“Việc điều trị SDD cho trẻ nhỏ của nhiều gia đình không đạt được kết quả như mong đợi là do sự hiểu nhầm, cho rằng khám dinh dưỡng như khám bệnh, nghĩa là uống hết thuốc thì trẻ khỏi bệnh. Nhưng thực tế điều trị dinh dưỡng là điều trị lâu dài, quan trọng là các bậc cha mẹ phải kiên trì, thay đổi thói quen chăm sóc trẻ và đi tái khám theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Việc các bà mẹ quá bận rộn, phó mặc con trẻ cho người giúp việc là một điều hoàn toàn không nên. Bởi lẽ, người giúp việc khó có thể có nhiều kiến thức, tình thương và tinh thần trách nhiệm đối với trẻ nhỏ như những người làm cha mẹ”, BS Diệp khuyến cáo.
Gia tăng tỷ lệ béo phì
Theo TS Lê Danh Tuyên, hiện nay, tỷ lệ bị thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,6%, trong đó ở thành phố là 6,5%, ở nông thôn là 4,2%. Ước tính cả nước có khoảng 460.000 trẻ trong độ tuổi này bị thừa cân, béo phì. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi đang có xu hướng gia tăng nhanh, từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên gần 10 lần (năm 2000 chỉ có khoảng 0,62% trẻ bị thừa cân, béo phì).
So với nhiều nước trong khu vực và thế giới, tầm vóc, thể lực của thanh niên Việt Nam được xếp vào loại trung bình thấp. Hiện nay, chiều cao trung bình ở nam giới tuổi trưởng thành của Việt Nam chỉ khoảng 1,64 m và ở nữ là 1,54 m. |
“Tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ béo phì cũng có xu hướng gia tăng ở lứa tuổi tiểu học và người trưởng thành (trên 40 tuổi). Riêng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em lứa tuổi tiểu học tăng hơn 85% so với 10 năm trước. Ước tính, hiện 1/4 trẻ em tuổi tiểu học ở TP Hồ Chí Minh bị thừa cân, béo phì”, BS Ngọc Diệp chia sẻ.
Đặc biệt, không chỉ ở trẻ em, mà tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm từ 50-60 tuổi cũng ngày một tăng. Cụ thể, năm 2000, tỷ lệ thừa cân béo phì ở nữ giới lứa tuổi 20 - 24 là 1,1% thì năm 2010 là 1,8%. Tương tự, ở nhóm tuổi 30 - 34 lần lượt là 5,4% và 5,8%...
Ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng lên tới 8,2%. Như vậy, trong 10 năm qua, tỷ lệ thai phụ thừa cân, béo phì đã tăng hơn gấp 2 lần.
Tình trạng gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì là một vấn đề rất đáng lo ngại, vì đây là nguồn gốc phát sinh các biến chứng nghiêm trọng như hội chứng tim mạch, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp... Vậy nên, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 đã đặt mục tiêu là bên cạnh việc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, các cấp, các ngành còn phải từng bước kiểm soát hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành (như tiểu đường, tim mạch, huyết áp...).
Phương Liên