Gắn số nhà ở xã vùng biên Atiêng

Những con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào các thôn, bản được quy hoạch lại khang trang, với từng ngôi nhà truyền thống của đồng bào Cơ Tu được gắn số nhà, là nét đặc trưng riêng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã vùng biên Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Nằm dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ, xã Atiêng có hơn 700 hộ dân, với khoảng 2.700 nhân khẩu. Từ năm 2012 đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 17 tỷ đồng xây dựng NTM, thông qua việc hiến đất đai, hoa màu, ngày công, vật kiến trúc trên đất để giải phóng mặt bằng, sắp xếp bố trí lại dân cư và xây dựng các công trình dân sinh. Ông Lê Trung Thủy, Chủ tịch UBND xã Atiêng cho biết: Từ khi triển khai xây dựng NTM, xã đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao của nhân dân. Xã đang triển khai gắn số nhà cho từng hộ dân. Đối với đồng bào vùng cao, đánh số nhà là một việc làm hoàn toàn mới, nhưng khi được chính quyền xã tuyên truyền ý nghĩa của việc gắn số nhà để dễ dàng quản lý nắm bắt thông tin, nhân dân rất ủng hộ.

Nhà rông được đồng bào chung tay phục dựng.

Tà Vàng là thôn đi đầu trong việc triển khai gắn số nhà, hiện nay đã có 70 hộ dân trong thôn được gắn số nhà. Ông Alăng Nheeng, Trưởng thôn Tà Vàng chia sẻ, từ khi đánh số nhà, việc quản lý thông tin của từng hộ dân dễ dàng hơn cho cán bộ cơ sở. Số nhà được lưu vào phần mềm máy tính, mỗi khi có thay đổi về chủ hộ, chỉ cần chỉnh sửa thông tin trên máy tính.

Nhà của đồng bào ở Atiêng được đánh số.

Trước đây, nhân dân vùng cao thường sống phân tán, nên khó khăn cho việc đầu tư các công trình dân sinh. Khi xây dựng NTM, các thôn bản của xã Atiêng được bố trí sắp xếp lại khang trang, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống với ngôi nhà gươl ở trung tâm của thôn. 6 thôn của xã Atiêng đều đã có nhà gươl truyền thống làm địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Theo ông Lê Trung Thủy, Chủ tịch UBND xã Atiêng, để xây dựng mỗi nhà gươl phải cần kinh phí từ 300 - 400 triệu đồng, nhưng xã đã huy động người dân đóng góp ngày công cũng như vật liệu, vì vậy, kinh phí bằng tiền mặt chỉ còn vài chục triệu đồng. Với sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM, xã Atiêng phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu NTM.

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Khó khăn trong xây dựng NTM của huyện là phải vừa đảm bảo hoàn thành các tiêu chí, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc để tạo ra nét riêng của NTM vùng cao. Vì vậy, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân xây dựng NTM phải gắn liền với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: Đỗ Trưởng
Nông thôn mới vùng đồng bào  dân tộc Lai Châu
Nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc Lai Châu

Với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị và nhân dân các dân tộc, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN