Bên cạnh đó, Nghệ An cũng triển khai thực hiện chủ trương xây dựng đơn vị nông thôn mới theo cấp xóm, bản tại địa bàn các huyện miền núi.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội để công tác xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn tỉnh.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Nghệ An. |
Cùng với đó, Nghệ An tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân, kết hợp với nguồn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cấp trên để có kinh phí thực hiện chương trình. Nghệ An cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách từ tỉnh đến cơ sở; các địa phương tùy tình hình thực tế để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung chương trình. Đặc biệt, Nghệ An đẩy mạnh phát triển sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của quá trình thực hiện chương trình. Năm 2016, Nghệ An xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả như trồng chanh leo xuất khẩu, trồng cam, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, trồng rừng, thủy sản… tăng thu nhập cho bà con nông dân để vươn lên làm giàu.
Sau gần 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An, đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 109 xã đạt 19/19 tiêu chí được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận, đạt 25,3% (đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sau tỉnh Thái Bình và Hà Nội).