Nhật Bản hiện là thị trường tiềm năng xuất khẩu nội thất gỗ của Việt Nam
Tận dụng cơ hội nâng cao năng lực sản xuất
TS Nguyễn Tất Thịnh, cố vấn Viện Doanh trí cho rằng, biểu suất thuế quan do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban hành là chính sách kinh tế địa chính trị tất yếu trên toàn cầu. Các hoạt động đàm phán của Việt Nam đang diễn ra tích cực, đề cao lợi ích quốc gia, hướng tới hoà bình, cân bằng và hiệu quả. Với các doanh nghiệp Việt Nam cần có cách nhìn thực tế, nếu đưa hàng hóa nhập khẩu của Mỹ về mức thuế quan bằng 0, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội để nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ.
Chuyên gia xây dựng chiến lược doanh nghiệp này cũng bày tỏ niềm tin, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về trung hạn sẽ có triển vọng phát triển nội lực. Khi hoàn thành tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy, dự kiến đến quý IV/2025, sẽ có nhiều cơ sở để khẳng định nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, tích cực.
Tương tự, theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, mặc dù Hoa Kỳ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị xuất khẩu, với gần 1,5 tỷ USD của Intimex năm 2024, nhưng vẫn là thị trường chiến lược. Với đặc thù ngành hàng nông sản, tính cạnh tranh không chỉ đến từ chất lượng, mà còn từ thuế suất. Do vậy, doanh nghiệp nông sản cần thay đổi để tồn tại. Để ứng phó với chính sách thuế quan từ Hoa Kỳ, Intimex đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường sang châu Âu, Trung Đông và các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Đặc biệt, Intimex còn tăng nhập khẩu thực phẩm từ Hoa Kỳ về Việt Nam để góp phần cân bằng cán cân thương mại.
Còn ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các dòng thép chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp chế tạo như: Ô tô, đóng tàu, cơ khí, dầu khí, đường sắt, gia dụng… và công nghiệp quốc phòng, giúp tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước, không phụ thuộc nhập khẩu…
TS Nguyễn Tất Thịnh cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp cần giữ tâm thế bình tĩnh, không đối kháng, chủ động đối ứng. Đây là cơ hội để nhìn lại nội lực, tái cấu trúc thị trường và sản phẩm. Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn tác động đến xuất khẩu hàng hóa của nền kinh tế Việt Nam, song nhiều thị trường khác trong khối ASEAN, với gần 600 triệu dân hay những thị trường có nhiều tiềm năng tại Nam Ấn, Nam Á, Pakistan... cũng là những thị trường trọng điểm cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ với 1,5 tỷ dân đang là thị trường giàu tiềm năng và cơ hội lớn cho hàng hoá xuất khẩu trong nước.
Phát triển thị trường nội địa
Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng “đổi sân chơi”. Bởi khi mở rộng thị trường thế giới thường đi kèm nhiều chi phí và rủi ro. Chi phí không chỉ đến từ marketing, truyền thông, mà cả chiến lược kinh doanh, logistics và xây dựng niềm tin với đối tác. Tuy nhiên, nếu không thử, doanh nghiệp sẽ mãi bị động, không tránh được rủi ro khi thị trường cũ có biến động. Muốn mở rộng thị trường mới, vai trò hỗ trợ từ Nhà nước có vài trò quan trọng. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế, đào tạo nhân lực, tạo kênh thông tin tìm hiểu về chính sách thương mại...
“Trong khó khăn, cần nhìn nhận lại thị trường nội địa với 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng lớn mạnh và phong phú. Các sản phẩm dệt may, xe đạp, linh kiện, đồ gia dụng, hạt điều, cà phê… đều có sức tiêu thụ tốt”, TS Nguyễn Tất Thịnh gợi ý.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh nhận định, để doanh nghiệp nội địa phát triển song song với xuất khẩu, cần có chính sách tài chính công bằng. Xuất khẩu vay USD chỉ hơn 1%, trong khi sản xuất nội địa phải chịu lãi suất tiền đồng 9 - 10%, như vậy là bất hợp lý. Vì vậy, cần một chiến lược lớn hơn là xây dựng sàn giao dịch hàng hóa đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam như một phần của trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh, bài toán "sống còn" cho doanh nghiệp là cần đầu tư sâu vào chuỗi giá trị, "rót" hàm lượng giá trị thực vào từng sản phẩm "Made in Vietnam".
Đây không chỉ là lời giải thích nghi với bài toán thuế quan của Hoa Kỳ, mà còn là xu thế tất yếu khi Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng xuất siêu “ảo”, giảm phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. “Một phép toán đơn giản, Việt Nam xuất siêu 10 tỷ USD, trong khi nhập tới 9,5 tỷ USD, giá trị quốc gia thu về hạn chế. Những ngành nghề chỉ ‘mượn đường’ xuất khẩu chắc chắn sẽ bị loại bỏ.
Những ngành nghề tạo giá trị thực, đóng góp sâu vào nền kinh tế quốc gia sẽ được các thị trường nhập khẩu như Hoa Kỳ ‘ưu ái’ bằng chính sách thuế thuận lợi hơn. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam tự thay đổi từ xuất thô sang xuất tinh và xây dựng nền tảng phát triển bền vững”, ông Nguyễn Xuân Phú khẳng định.