Theo thống kê mới nhất, tại Sơn La hiện có trên 410 hộ vay nợ, tổng số tiền nợ lên đến hơn 24,6 tỷ đồng và tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn.
Trước tình trạng gán đất vay nợ tiêu dùng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý tình trạng này.
Được sự giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình chị Lò Thị Tiết ở bản Nà Nhụng, huyện Mai Sơn. Khi được hỏi về việc gán đất, chị lấy cho chúng tôi xem tờ giấy vay nợ của gia đình mình.
Theo tờ giấy này, gia đình chị đã vay nợ số tiền hơn 228 triệu đồng. Và do không đủ tiền để trả nợ, 2 mảnh nương của gia đình chị đã bị chủ nợ bắt phải nhượng lại trong vòng 20 năm. Điều này có nghĩa là trong 20 năm tiếp theo, gia đình chị sẽ không có đất đai để canh tác và lao động, sản xuất.
Nói về nguyên nhân của việc vay nợ, chị Lò Thị Tiết ngậm ngùi cho biết, tất cả đều xuất phát từ lúc đình chị làm lại ngôi nhà. Lúc đó, nhà đã xong, nhưng do thiếu tiền mua tấm lợp xi măng nên đã phải đi vay chủ nợ.
Lâu dần, cứ có việc gì cần tiền là gia đình chị lại tìm đến các chủ đầu tư để vay nợ. Từ việc mua mắm muối, cân gạo hay phân bón đều từ tiền vay của chủ nợ. Với cách tính lãi suất từ 20 - 30%/năm, cứ thế số nợ của gia đình chị ngày càng cao và không có khả năng trả được.
Đến hạn không có trả, người ta về bắt phải gán đất để trừ nợ. Bây giờ cuộc sống khó khăn, vợ chồng phải đi làm thuê lại trên chính mảnh đất của mình.
Ở xã Phiêng Pằn, nhắc đến việc gán đất nương để vay nợ là người ta lại nói đến bản Nà Nhụng, bởi cả bản có hơn 100 hộ thì đã có đến 22 hộ đi vay. Hộ ít thì từ 30 đến 40 triệu đồng, hộ nhiều nhất lên đến hơn 200 triệu.
Vì cái nghèo, cái khó mà người dân phải vay nợ, do vay nợ mà người dân lại càng nghèo khổ hơn. Cái vòng luẩn quẩn của cái nghèo cứ thế đeo bám mãi nơi đây.
Ông Lò Văn Thu, Trưởng bản Nà Nhụng, xã Phiêng Pằn cho biết, trước kia đất đai còn màu mỡ thì bà con cũng chưa vay nợ chủ đầu tư nhiều. Nhưng từ 2006 đến nay, nếu không đầu tư phân bón và giống mới thì ngô không tốt, năng suất thấp. Không những thế, lúc túng thiếu người dân lại đi vay chủ đầu tư để trang trải cuộc sống.
Do đó, trong bản việc bà con vay nhưng không trả nợ được đã trở thành phổ biến. Cứ thế, năm nay không trả được số tiền gốc, lại dồn sang năm khác và ngày càng nhiều thêm.
Thống kê trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có 414 hộ tại 47 bản ở 10 xã, thị trấn có tình trạng vay nợ tiêu dùng, phải gán nợ đất. Số tiền nợ lên đến hơn 24,6 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều nhất là tại xã Phiêng Pằn với trên 230 hộ vay nợ tiêu dùng, gán đất trả nợ ở 12/19 bản, tổng số tiền nợ là 13,4 tỷ đồng. Ngoài ra, tại xã Chiềng Lương cũng có 35 hộ vay nợ tiêu dùng với số tiền là 2,1 tỷ đồng.
Ông Hoàng Minh Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn cho biết, nguyên nhân chính là do người dân vay nợ để sản xuất và sinh hoạt trong gia đình. Nhưng do điều kiện thời tiết dẫn đến sản xuất thất thu, chi tiêu không hợp lý và một số phong tục tập quán gây tốn kém, dẫn đến không có khả năng trả nợ, phải gán đi mảnh đất của mình cho chủ nợ, chủ đầu tư.
Trước tình trạng gán đất nương để vay nợ của người dân thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đề ra nhiều nhóm giải pháp nhằm xử lý tình trạng này. Trong đó, tập trung rà soát, phân loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát mô hình, phương án hỗ trợ sản xuất; định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đặc biệt là liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, các Hợp tác xã nông nghiệp để tạo điều kiện cho người dân vay vốn, phát triển các mô hình sản xuất.
Theo ông Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chính quyền địa phương đã huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng để triển khai việc tuyên truyền, vận động; xây dựng mô hình, hỗ trợ sản xuất; đảm bảo đời sống cho nhân dân và an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là xây dựng đường giao thông.
Cùng với việc giúp người dân ổn định sản xuất, chính quyền huyện Mai Sơn cũng có những giải pháp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các chủ đầu tư. Bởi hiện nay số lượng chủ đầu tư cho vay nợ tại huyện Mai Sơn là hơn 110 người. Không những thế, số tiền những chủ đầu tư này đã bỏ ra để cho người dân vay cũng rất lớn.
Theo đó, UBND huyện Mai Sơn đã làm việc với các chủ đầu tư để thống nhất phương án chốt nợ cho người dân và không tiếp tục tính lãi, phát sinh các khoản nợ mới; tổ chức họp dân để cảm kết trả nợ, hướng dẫn nhân dân quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống và trả nợ.