Hai trăm hộ dân với gần 700 nhân khẩu ở hai thôn Xuân Lộc và Xuân Bình thuộc xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, thậm chí có gia đình chỉ dùng mỗi ngày 5 lít nước.
Chủ tịch UBND xã An Xuân Trần Quang Minh cho biết, tại xã có Công ty cổ phần diatomit Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trên diện tích 202 ha với thời gian 24 tháng kể từ tháng 9/2010. Đầu năm 2012, khi Công ty cổ phần diatomit Việt Nam khoan thăm dò 36 lỗ khoan thì các hố nước do người dân tự đào để khai thác nước mạch tự nhiên liền bị cạn cho đến nay. Xã đã phối hợp với Công ty cổ phần diatomit Việt Nam chở nước sinh hoạt từ nơi khác về cung cấp tạm thời cho người dân, đồng thời đào 4 hố nước trong khu vực thăm dò. Nhưng cũng chỉ 2 hố có nước, có thể sử dụng tạm thời.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên ngày 31/7/2013, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, Biện Minh Tâm khẳng định: Việc người dân ở hai thôn Xuân Lộc và Xuân Bình thiếu nước là có thật. Sở đồng ý với giải pháp lâu dài mà UBND huyện Tuy An đưa ra là xây dựng công trình cấp nước, lấy nước từ hồ Đồng Tròn về để cung cấp nước cho dân hai thôn Xuân Lộc, Xuân Bình với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, để đưa được nước từ hồ Đồng Tròn về phục vụ người dân thì phải bơm nhiều nấc, phải lắp đặt hệ thống điện và xây nhiều bể chứa nên chắc chắn giá thành nước sẽ cao hơn giá quy định mà liên Bộ Tài chính - Xây dựng và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành là 13.000 đồng/m3, trong khi phần lớn người dân ở đây là dân nghèo. Do đó muốn đầu tư, UBND huyện Tuy An sẽ phải lấy ý kiến người dân vùng hưởng lợi.
Trong khi đó, theo báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên: Sau khi phát hiện tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghi do ảnh hưởng khoan thăm dò khoáng sản diatomit, sở đã cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra. Ngày 22/3/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đã báo cáo kết quả kiểm tra lên UBND tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến nội dung là bước đầu chưa đủ cơ sở để kết luận việc khô cạn các hố nước trên là do khoan thăm dò diatomit gây ra. Sở đang tổng hợp tài liệu địa chất vùng để báo cáo, đồng thời xác định nguyên nhân gây khô cạn nguồn nước. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể cũng như giải pháp khắc phục.
Thế Lập