Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ngày 21/9 đã ra tuyên bố chung kết thúc hai ngày họp ở thành phố Cairns, Australia, trong đó cam kết vượt qua các căng thẳng địa chính trị và rủi ro tài chính, thổi sinh khí mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng tài chính Australia Joe Kockey phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AFP |
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 có chung nhận định nền kinh tế toàn cầu phát triển vẫn chưa đủ nhanh để tạo ra đủ việc làm cần thiết, trong khi mức cầu còn yếu. Tuyên bố khẳng định: “Chúng ta cần tăng trưởng cân bằng, bền vững, mạnh mẽ và có nền tài chính lành mạnh để bảo vệ các nền kinh tế trước những rủi ro, tạo việc làm cho người dân”.
Hội nghị đã đề ra một loạt biện pháp cụ thể mới để kích thích tăng trưởng, tăng cường đầu tư có chất lượng tốt hơn, thúc đẩy thương mại, khuyến khích cạnh tranh… G20 cho biết 1.000 biện pháp đã được thống nhất từ trước đến nay có thể giúp nhóm đạt GDP chung là 1,8% trong vòng 5 năm tới, tạo ra hàng triệu việc làm mới. Tuy nhiên, cần nhiều cải cách hơn nữa mới có thể đạt mục tiêu GDP là 2% như đã nhất trí đầu năm 2014 ở Sydney. G20 cũng cho biết sẽ tiếp tục đưa ra một loạt biện pháp bổ sung để đạt được tham vọng tăng trưởng 2%.
Một trong những biện pháp đáng chú ý là Sáng kiến Hạ tầng Toàn cầu. Theo đó, G20 sẽ thành lập một trung tâm toàn cầu để chia sẻ thông tin và tìm nhà đầu tư phù hợp cho từng dự án để tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ phát triển trung tâm này.
Dù kinh tế thế giới có nhiều điểm đáng khích lệ, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho rằng nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn: Tăng trưởng đáng thất vọng ở châu Âu và Nhật Bản, dấu hiệu trì trệ ở các nền kinh tế mới nổi, kể cả Trung Quốc. Ngoài ra, các đại diện tại G20 cũng lo ngại dịch bệnh Ebola ở Tây Phi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng và ổn định của các nước có dịch.
Nhật Huy