Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường về nhập cư diễn ra ngày 23/4 ở Brussels, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng gấp 3 lần các phương tiện tìm kiếm, cứu nạn trên biển Địa Trung Hải. Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh các quốc gia thành viên tuyên bố sẽ tăng mạnh mức đóng góp cho hoạt động cứu nạn người nhập cư (Triton). Ngoài tàu thuyền, các nước cũng sẽ điều thêm máy bay, trực thăng cùng nhân sự tuần tra trên Địa Trung Hải.
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người di cư lên đảo Rhodes, Hy Lạp sau vụ chìm tàu ngày 20/4. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, 28 quốc gia EU sẽ nghiên cứu các cách thức để thu giữ và phá hủy các con tàu mà những kẻ buôn người sử dụng để chở người tị nạn vượt biển, tăng cường nỗ lực ngăn cản những người muốn nhập cư trốn sang Libya, đơn giản hóa thủ tục xem xét xin tị nạn và gửi trả về nước những người không được xét quy chế tị nạn. Các biện pháp mà EU công bố tại hội nghị trên sẽ giúp đối phó với làn sóng người nhập cư trốn chạy các cuộc xung đột và nghèo đói tại châu Phi, đặc biệt sau thảm họa chìm tàu vừa xảy ra hồi cuối tuần trước tại vùng biển Libya khiến hơn 900 người thiệt mạng.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp François Hollande cho biết Paris và London cũng yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cho phép can thiệp trên lãnh thổ Libya nhằm phá hủy các phương tiện của những kẻ buôn người, bởi châu Âu chỉ có thể hành động trong khuôn khổ nghị quyết của HĐBA.
Anh, Đức tiên phong điều thêm tàu đến Địa Trung Hải đối phó khủng hoảng nhập cư
Tại hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đi tiên phong trong các cam kết gửi thêm tàu tới Địa Trung Hải nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.
Theo báo "Financial Times" (Anh), việc triển khai tàu của Hải quân Hoàng gia tham gia sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ - chính xác là điều mà Berlin và London từng phản đối kịch liệt vì cho rằng hành động này sẽ càng khuyến khích người tị nạn vượt biển - phản ánh sự thay đổi quan điểm của Anh, Đức sau khi xảy ra một loạt thảm họa chìm tàu chở người nhập cư từ Libya đến Italy làm hơn 1.000 người thiệt mạng.
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn ngoài khơi Libya, trước mắt Anh sẽ gửi tàu trực thăng HMS Bulwark cùng với 2 tàu nhỏ hơn tới Địa Trung Hải trong vòng 2 tháng, còn Đức dự kiến gửi 2 tàu khu trục. Các tàu của Anh sẽ thực hiện vai trò tìm kiếm-cứu hộ và hoạt động bên ngoài khuôn khổ Cơ quan biên giới EU (Frontex), vốn giới hạn phạm vi giám sát chỉ trong vòng bán kính 30 dặm tính từ bờ biển Italy.
Trong cuộc họp trên, lãnh đạo các nước EU đã nhất trí tăng cường các nguồn lực tại Địa Trung Hải và khởi động các bước chuẩn bị thành lập phái bộ quân sự chung EU nhằm trấn áp các tàu buôn lậu. Italy ủng hộ mạnh mẽ nhất việc thành lập phái bộ quân sự nhưng dự kiến quá trình này phải mất vài tháng, đặc biệt trong bối cảnh chính trị nhạy cảm liên quan đến việc đảm bảo một sự ủy quyền hợp pháp để cho phép tấn công các tàu buôn lậu bên trong các cảng của Libya.
Chính quyền tự xưng hiện kiểm soát thủ đô Tripoli và phần lớn miền Tây Libya cùng ngày cảnh báo sẽ chống lại bất cứ phái bộ quân sự nào của EU triển khai tại đây mà không có sự thông qua của họ.
TN