EU chuyển trọng tâm chính sách hướng tới tăng trưởng

Sau 3 năm phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh, ngày 29/5, Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn việc thay đổi trọng tâm chính sách, yêu cầu các nước thành viên phải tập trung vào các cải cách cấu trúc kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, song sẽ không từ bỏ các biện pháp kỷ luật ngân sách.


 

Khu vực đồng euro đang phải vật lộn để thoát khỏi năm thứ hai liên tiếp chìm trong khủng hoảng.

 

Trong một động thái phản ánh nỗi thất vọng ngày càng gia tăng của các chính phủ và các cử tri trong Khu vực đồng euro về những khó khăn họ phải đối mặt khi thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", Ủy ban châu Âu đã tuyên bố rằng nhiều quốc gia sẽ có thêm thời gian để đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách. Việc thay đổi trọng tâm chính sách được đưa ra trong bối cảnh Khu vực đồng euro đang phải vật lộn để thoát khỏi năm thứ hai liên tiếp chìm trong khủng hoảng và tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức cao kỷ lục, gây lo ngại sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội.


Ủy ban châu Âu nói rằng việc cắt giảm ngân sách sẽ vẫn phải thực hiện, tuy nhiên, do các thị trường tài chính đã dần ổn định sau 3 năm khủng hoảng và hiện đã có thêm "không gian để thở" nên có thể tận dụng thời gian này để thực hiện các cải cách vốn cần thiết từ lâu.


Pháp, Tây Ban Nha, Xlôvênia và Ba Lan đều được cho thêm thời gian 2 năm nữa để hoàn thành mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách xuống mức dưới 3% GDP; trong khi đó, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Bỉ có thêm thời gian là 1 năm. Cùng lúc, Hunggary và Italia đã được đưa ra khỏi danh sách những quốc gia "bị giám sát ngân sách" cùng với Rumani, Látvia và Lítva.


Có lẽ, những đề xuất được xem xét kỹ lưỡng nhất là những đề xuất dành cho Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng euro, chỉ sau Đức, và Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư khu vực này. Hai quốc gia này đều đang chịu cảnh suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp là trên 10% và có khả năng còn gia tăng. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, tỷ lệ này là 27% với hơn một nửa số người trẻ tuổi không có việc làm.


Do các chính phủ đang chịu nhiều gánh nặng nợ nần không thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua tăng chi tiêu công nên họ phải cải cách cách thức vận hành nền kinh tế, chủ yếu bằng cách giải quyết tình trạng hoạt động không hiệu quả của các thị trường lao động, hệ thống hưu trí và các dịch vụ công.
Ủy ban châu Âu nhấn mạnh nhu cầu cần làm cho các thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn và việc mở cửa các thị trường dịch vụ và sản phẩm. Ủy ban này còn kêu gọi Đức tăng tiền lương phù hợp với năng suất lao động, để từ đó làm gia tăng nhu cầu trong nước. Ủy ban châu Âu tập trung nhiều vào Pháp - quốc gia mà ủy ban này cho rằng cần thực hiện các cải cách lao động và hưu trí để giành lại động lực kinh doanh đã mất, đồng thời vẫn phải cắt giảm chi tiêu công để giải quyết vấn đề ngân sách ngày càng lớn. Pháp cũng cần đơn giản hóa hệ thống thuế quan nhằm giúp các công ty tăng khả năng cạnh tranh, và đến năm 2020 cần làm cho hệ thống hưu trí trở nên bền vững.


Đại diện EU phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn đưa ra thông điệp: "Điều tối quan trọng hiện nay là 'không gian để thở này' - được tạo ra nhờ giảm tốc độ thống nhất khu vực - phải được các nước thành viên sử dụng để thực hiện những cải cách kinh tế cần thiết nhằm 'mở khóa' cho tăng trưởng và cải thiện khả năng tạo việc làm".


Những đề xuất nêu trên, từng được các nhà lãnh đạo EU thông qua tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hồi tháng 6 năm ngoái, sẽ có tính ràng buộc và được cho là sẽ tác động tới dự thảo ngân sách của các quốc gia thành viên trong năm 2014 và xa hơn nữa.


TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN