Kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh:

Đường Hồ Chí Minh - Con đường của ý chí và trí tuệ Việt Nam

Trải qua gần 6.000 ngày chiến đấu và xây dựng không ngừng nghỉ, mạng đường vận tải chiến lược dọc Trường Sơn đã không ngừng vươn xa, mở rộng và đã trở thành kỳ tích của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX. Tuyến đường huyền thoại đó được mang tên Bác Hồ - Đường Hồ Chí Minh.

 

Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1/1959) đã khẳng định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Ở miền Nam, kẻ thù đang điên cuồng khủng bố cách mạng với dây thép gai, với Luật 10/59, với máy chém lê đi khắp nơi. Lực lượng cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề. Cách mạng miền Nam đang cần sự chi viện về mọi mặt của hậu phương lớn miền Bắc để chống lại kẻ thù hung hãn được trang bị tối tân. Khởi thủy của tuyến đường chiến lược vĩ đại được bắt đầu trong bối cảnh như thế.


Đi không dấu, nấu không khói


Ngày 5/5/1959, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập tuyến giao liên quân sự trên bộ, đặt tên bí mật là Đoàn 559. Bắt đầu chỉ là một đơn vị đặc biệt gồm 440 chiến sĩ làm nhiệm vụ tìm đường, mở tuyến. Hàng gùi trên vai, hành quân bí mật, tránh địch và tránh cả dân. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng”, vượt qua sự kiểm soát của địch, vượt qua suối sâu, núi cao, sốt rét và thú dữ, ngày 20/8/1959 chuyến hàng đầu tiên gồm 500 kg công văn, vũ khí, đạn dược đã được tập kết ở miền Tây A Lưới chi viện cho Liên khu 5.

 

Xe ta qua tuyến đường Trường Sơn bị địch đánh phá
ác liệt.


Địch chiếm ưu thế về binh lực, hoả lực, phương tiện kỹ thuật, sức cơ động, có hệ thống căn cứ xuất phát tiến công trên khắp chiến trường miền Nam và cả ở Lào, ở Thái Lan. Tất cả các quân binh chủng của địch kể cả các tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ đã tham gia đánh phá tuyến đường huyền thoại này bằng mọi chiến thuật, bằng nhiều lực lượng, nhiều loại vũ khí. Chúng lập cả hàng rào điện tử, tổ chức hàng nghìn cuộc tấn công bằng bộ binh, hàng chục vạn cuộc đánh phá của không quân với hàng chục triệu quả bom mìn cùng hàng trăm tấn chất độc hóa học làm trụi lá cây hòng bóp nghẹt, hòng ngăn chặn,... hòng cắt đứt mạch máu chi viện chiến lược từ miền Bắc. Trung bình hàng năm mỗi km đường Trường Sơn phải chịu 736 quả bom. Đường Hồ Chí Minh là nơi diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa một bên là ý chí và phẩm giá của dân tộc Việt Nam với một bên là các thế lực bạo tàn dựa vào vũ khí âm mưu chia cắt lâu dài đất nước.


Trường Sơn là nơi thử thách ý chí, trí tuệ và tình cảm của nhiều lớp thế hệ trẻ Việt Nam. Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bao lớp chiến sĩ đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước /Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Bộ đội Trường Sơn đã viết nên truyền thống vẻ vang “Đánh giặc mà đi - Mở đường mà tiến”. Địch đánh ban ngày, ban đêm ta sửa. Đường này bị lộ, ta làm đường khác. Địch đánh cầu, ta làm ngầm cho xe vượt... Chống lại đủ các loại bom, mìn, máy bay, các loại thiết bị trinh sát điện tử còn có cả tiếng cười của những chiến sĩ quyết tâm bám đường, mở đường và giữ vững sự sống của con đường.

Từ lối mòn giao liên với gùi hàng nặng trĩu trên vai, đôi chân trần đạp trên đá tai mèo, tuyến đường đã phát triển thành hệ thống vận tải chiến lược khổng lồ với 4 trục dọc và 13 trục ngang với gần 20.000 km chiều dài, một tuyến ống xăng dầu, một tuyến vận tải đường sông... Trên những nẻo đường đó là hệ thống kho, trạm được tổ chức ngày càng hoàn thiện tiếp nhận người và hàng, điều chỉnh giao thông, sửa chữa xe máy... bảo đảm sự liên tục, an toàn, thông suốt của con đường trong mọi tình huống. Trong suốt 16 năm, một triệu rưỡi tấn hàng, hàng triệu m3 xăng dầu, trên hai triệu lượt người đã đi qua con đường huyền thoại.


Không chỉ chi viện cho chiến trường miền Nam, hệ thống đường Hồ Chí Minh còn trực tiếp chi viện cho cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương. Dưới các cánh rừng Trường Sơn, dọc theo các cung đường, vươn theo các hướng chiến dịch, tuyến vận tải chiến lược trở thành chỗ đứng chân, là bàn đạp tấn công của các binh đoàn chủ lực. Đường Hồ Chí Minh trở thành hậu phương trực tiếp của các chiến trường miền Nam từ Trị - Thiên tới miền Đông Nam Bộ cửa ngõ Sài Gòn. Đường Hồ Chí Minh đã góp phần vô cùng quan trọng quyết định thắng lợi hoàn toàn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, hệ thống kho, trạm của đường Hồ Chí Minh đã bảo đảm sẵn sàng cung cấp 240.000 tấn trong số 255.000 tấn vật chất ta chuẩn bị trước chiến dịch.


Trong cuộc chiến đấu kiên cường bền bỉ suốt 16 năm. Gần hai vạn cán bộ chiến sĩ đã hi sinh, hơn ba vạn người khác đã bị thương trên con đường, để làm nên thắng lợi.


Biểu tượng của ý chí


Quyết định xây dựng tuyến vận tải chiến lược và xây dựng thành công tuyến đường đó là một trong những thành công lớn trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Đường Hồ Chí Minh mãi mãi là biểu tượng của ý chí, sức mạnh, trí tuệ và lòng dũng cảm của con người Việt Nam. Đường Hồ Chí Minh là sự hiện thực hóa của tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam, đánh thắng các loại chiến lược chiến tranh của chủ nghĩa thực dân mới.


Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm tới tuyến vận tải Trường Sơn. Tháng 5/1962, Bác gặp đồng chí Võ Bẩm - người chỉ huy đầu tiên từ ngày khai phá con đường để nghe báo cáo trực tiếp. Bác căn dặn phải giữ bí mật, bất ngờ cho con đường, chăm lo đời sống cho anh chị em bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân dọc tuyến đường. Bác gửi muối và vải hoa tặng đồng bào. Sau này, Người còn nhiều lần đề nghị các đồng chí trong Bộ Chính trị tổ chức để Bác đi thăm đồng bào, chiến sĩ đang anh dũng chiến đấu tại miền Nam bằng đường Trường Sơn giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất.


Đường Hồ Chí Minh cũng là con đường của lòng dân hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ, là mẫu mực sinh động của thế trận chiến tranh nhân dân chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Dọc những nẻo đường Trường Sơn là địa bàn cư trú của hơn 20 dân tộc ít người. Đây là những chiến sĩ vô danh của đường Trường Sơn đã sát cánh cùng Bộ đội Cụ Hồ đánh Mỹ. Dân tộc Vân Kiều ở miền tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên đã lấy họ Hồ chung cho cả dân tộc để nói rằng mình cùng là con cháu Bác Hồ... Và còn biết bao bà con đồng bào các dân tộc Gia rai, Ê đê, Ba Na, Stiêng... đã cùng góp sức làm nên chiến thắng.


Đường Trường Sơn năm xưa là con đường giải phóng, thống nhất đất nước, là con đường của ý chí độc lập tự do. Đường Hồ Chí Minh hôm nay là con đường để tiến lên ấm no hạnh phúc. Con đường xưa nối liền mạch máu chi viện cho các chiến trường. Con đường nay nối các trung tâm kinh tế, nối các vùng cà phê, vùng cao su, nối các buôn làng đồng bào Tây Nguyên với miền xuôi, với người Kinh để cùng nhau phát triển... Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại là con đường đi tới tương lai, thực hiện lý tưởng của Bác Hồ: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (Di chúc, 1969).


TS Ngô Vương Anh

Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh
Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh

Sáng 16/5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2014) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN