Đường Hồ Chí Minh - Con đường của sức mạnh ý chí và niềm tin quyết thắng

Đường Trường Sơn - con đường huyền thoại của sức mạnh ý chí và niềm tin quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc. Mỗi mét đường, mỗi cây cỏ đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ mới mười tám đôi mươi mãi mãi nằm xuống nơi đây. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân làm nên con đường lịch sử, vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước…

Sau hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, đất nước ta tạm thời chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn nằm dưới sự cai trị của Mỹ - Ngụy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quyết định thành lập tổ chức chuyến giao liên vận tải quân sự dọc Trường Sơn thực hiện chủ trương chi viện tất cả cho chiến trường miền Nam.

Tháng 6/1959 đồng chí Võ Bẩm, vào tham gia cuộc họp quan trọng ở Hồ Xá, Vĩnh Linh quyết định khảo sát mở tuyến đường Trường Sơn với điểm khởi đầu là Khe Hó, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ đây, Khe Hó trở thành điểm khởi đầu cho tuyến đường lịch sử, cũng như cột mốc đầu tiên mang tên con đường huyền thoại Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Dân công hỏa tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN


Tuyến đường ra đời, ban đầu chủ yếu với phương thức vận chuyển thô sơ là gùi thồ, rồi dần hình thành một hệ thống đường vận tải, đường sông, đường ống… kéo dài tới hàng chục ngàn km, mở ra con đường chiến thắng cho cách mạng miền Nam Việt Nam . Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo về chiến lược, thể hiện quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam , thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Bất chấp sự ngăn cản, phá hoại khốc liệt của quân thù, bộ đội Trường Sơn đã tổ chức hợp đồng tác chiến với các lực lượng gồm: công binh, cầu đường, giao thông, lái xe, pháo binh, thông tin, giao liên, bộ binh, tăng thiết giáp… để chi viện sức người, sức của, tất cả cho chiến trường miền Nam.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử tại Quảng Trị, chúng tôi đã gặp gỡ Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 (tiền thân là đoàn 559). Ông cho biết: Tuyến vận tải Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có một vai trò và ý nghĩa chiến lược rất đặc biệt. Với tuyến đường này, miền Bắc đã chi viện đảm bảo lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho các chiến trường đầy đủ. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc chi viện sức người, sức của cho các chiến dịch lớn như: Mậu Thân 1968; Chiến dịch Khe Sanh - Hướng Hóa; Chiến dịch Thành cổ 81 ngày đêm tại Quảng Trị; Bẻ gãy chiến dịch Lam Sơn 719 tại chiến trường Đường 9 - Nam Lào của kẻ địch; Chiến dịch Tây Nguyên, tạo tiền đề để quân và dân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh đánh đổ Ngụy quyền, thống nhất đất nước...

Tuyến chi viện đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược tài tình chứng minh sức mạnh nội lực ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đây là con đường của lòng người, của sức mạnh tổng hợp vô địch của chiến tranh nhân dân thể hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Đại tá Lê Kim Thơ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội, Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam tại Quảng Trị cho biết: Quảng Trị là điểm đầu của tuyến đường từ Khe Hó đi vào đường 9 nối liền Đông sang Tây qua Savanakhet (Lào) vào chiến trường miền Nam. Đặc biệt, riêng Vĩnh Linh là tuyến đầu trực tiếp nối liền với chiến trường miền Nam và hậu phương xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Nơi đây Mỹ tập trung những vũ khí cũng như các phương tiện chiến tranh khác hiện đại tối tân nhất nhằm chặt đứt con đường chi viện của ta. Hàng ngàn tấn bom đạn trút xuống mảnh đất Vĩnh Linh suốt ngày đêm nhưng không thể ngăn chản nổi bước chân và khí thế của quân và dân ta. Chỉ bằng những phương thức thô sơ dùng sức người là chính, với phương châm “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, chúng ta đã làm nên con đường huyền thoại tạo đà cho chiến thắng 1975 thống nhất đất nước…

Góp phần vào sự thành công của đường Trường Sơn không chỉ bởi những chiến công hiển hách mà bởi con đường đã thể hiện sự đồng sức, đồng lòng gắn kết giữa mọi tầng lớp nhân dân, các anh em ở những dân tộc khác nhau cùng chung tay đoàn kết chiến đấu dành tự do độc lập.

Tại Quảng Trị, dân tộc Pakô, Vân Kiều đã góp một phần công sức không nhỏ trong việc bảo vệ con đường, giữ gìn bí mật, hỗ trợ tin tức cũng như lương thực, thực phẩm thậm chí cả nhân lực để làm nên con đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông có trên 1.000 hội viên Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là người dân tộc Vân Kiều, Pakô. Là người dân tộc Vân Kiều, từng tham gia giúp đỡ, hỗ trợ bộ đội ta trong thời kỳ mở đường Trường Sơn, ông Hồ Văn Thanh (71 tuổi), thôn Khe Hó, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh cho biết: Ngày ấy bản có khoảng 30 hộ dân, cuộc sống của đồng bào còn nghèo và khổ lại bị bom đạn tàn phá liên miên nên bà con căm hận giặc Mỹ vô cùng. Bà con ở đây luôn muốn cống hiến chút sức mình vào sự nghiệp giải phóng đất nước nên thường xuyên hỗ trợ bộ đội gùi hàng, cung cấp thông tin về các cung đường an toàn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Nhiều lúc chỉ có gùi măng, ít rau rừng, ống cơm lam, nắm xôi, con lợn, con gà… nhưng là tấm lòng của bà con đối với Đảng và Bác Hồ.

Đôi mắt đỏ hoe khi thắp lên những phần mộ liệt sỹ chưa biết tên tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng xúc động chia sẻ: Để có được mạng lưới đường Trường Sơn, sau này được Đảng, Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, chúng ta đã hi sinh hơn 20 ngàn liệt sĩ, hàng chục ngàn chiến sĩ khác bị thương, mất đi một phần thân thể hay nhiễm chất độc da cam, sự hy sinh to lớn đó không thể kể hết bằng lời. Chúng ta là những người đang sống, được tận hưởng hòa bình cần có những việc làm thiết thực để thể hiện lòng biết ơn đối với các liệt sĩ, những người đã sống và sẵn sàng chiến đấu chống lại kẻ thù bảo vệ nền độc lập của dân tộc...

Xin lấy 4 câu thơ trong bài “Không thể nào quên” của Đại tá Lê Kim Thơ sáng tác ngày 27/7/1972 sau khi đơn vị ông trúng 2 đợt bom B52 khiến 56 người hy sinh để kết thúc bài viết: “Ôi! những chiến sĩ trở thành bất tử/ Những người con của lịch sử/ Biết hi sinh giữ gìn cho tương lai/ Xin gửi tất cả những ai/ Đừng nỡ quên những ngày dài đau khổ/ Máu của chúng tôi đã đổ/ Hãy nhớ lấy các liệt sỹ anh hùng” ...

Năm tháng trôi qua, nhưng sự đóng góp của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất diệt đi cùng năm tháng.


Thanh Thủy
Kỳ tích đường Trường Sơn
Kỳ tích đường Trường Sơn

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh lịch sử đã trở thành mốc son chói lọi, biểu tượng của ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN