Đưa pháp luật đến với người dân vùng cao

Các đội tư vấn pháp lý lưu động của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hòa Bình đã đến tận các vùng sâu, vùng xa để phổ biến và tư vấn cho người dân.

 

Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Huyện miền núi Mai Châu của tỉnh Hòa Bình là nơi cư trú của đông đảo đồng bào các dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Mường. Được hưởng lợi từ những dự án hỗ trợ của Chính phủ, cuộc sống của người dân nơi đây đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, việc thiếu hiểu biết về pháp luật, cũng như các chính sách của Đảng và Chính phủ, đã khiến người dân ở đây chịu nhiều thiệt thòi.


Để tăng cường hiểu biết cho bà con, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hòa Bình đã cử các đội tư vấn pháp lý lưu động đến vùng sâu vùng xa để phổ biến và tư vấn về pháp luật, các chủ trương, chính sách cho người dân.


Vào một ngày giữa tháng ba, chúng tôi cùng đoàn trợ giúp pháp lý vượt qua những con đèo đầy sương mù, những con đường đất gập ghềnh, để đến xóm Táu Nà, xã Cun Pheo và xóm Xô, xã Nà Mèo (huyện Mai Châu). Vừa đến nơi, ngay lập tức các cán bộ của đoàn trợ giúp bắt tay vào việc. Nghe tin đoàn đến xã, người dân đã tập hợp từ sớm để nghe tư vấn miễn phí, xin giải đáp những thắc mắc liên quan đến các chính sách dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng bảo trợ xã hội.


Ông Hà Văn Cúm, ở xóm Xô, xã Nà Mèo, huyện Mai Châu phấn khởi: “Đây là lần đầu tiên các hộ nghèo trong xóm tôi được tư vấn pháp lý, được nghe giới thiệu về các chính sách dành cho hộ nghèo. Tôi mong các đoàn tư vấn pháp lý của tỉnh, của huyện luôn quan tâm và thường xuyên đến với xã vùng sâu vùng xa nhiều hơn nữa”.


Ông Hà Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Nà Mèo chia sẻ: “Xã có tỷ lệ hộ nghèo và người thuộc diện bảo trợ xã hội cao, kinh tế khó khăn nên đồng bào ít được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ những buổi trợ giúp pháp lý như hôm nay, bà con hiểu rõ một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó bà con sẽ ý thức và chấp hành pháp luật tốt hơn, giúp công tác điều hành của xã thuận lợi hơn”.


Theo bà Hà Thị Linh, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hòa Bình, Trung tâm thường xuyên tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý tới các thôn xóm vùng cao. Ở mỗi địa bàn, người dân có các thắc mắc khác nhau, bên cạnh đó, nhận thức của bà con vẫn còn hạn chế, nên trong quá trình làm việc, cán bộ của Trung tâm phải tư vấn và giải thích rất nhiều để bà con có thể tiếp thu và hiểu được các chế độ, chính sách của nhà nước.


Nhờ việc đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, kết hợp với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về tận các thôn, xóm, đặc biệt là các xóm, xã vùng sâu, vùng xa, hiện Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hòa Bình đã có chi nhánh ở các huyện trong tỉnh. Năm 2013, Trung tâm đã thụ lý và giải quyết 3.061 vụ việc, kịp thời phát hiện những sai sót trong quá trình thi hành pháp luật để kiến nghị với các cơ quan liên quan những giải pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo quyền lợi ích của người dân. Đặc biệt, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã cử nhiều bào chữa viên, luật sư đến tranh tụng tại phiên tòa miễn phí khi đối tượng không có khả năng thuê luật sư.


Năm 2014, công tác trợ giúp pháp lý sẽ tiếp tục đến với nhiều xóm, những xã vùng sâu, vùng xa khó khăn, nhằm đáp ứng 100% nhu cầu của người dân, trở thành một địa chỉ tin cậy của người được trợ giúp pháp lý mỗi khi gặp vướng mắc pháp luật và thực sự trở thành cầu nối của người dân nghèo, đối tượng chính sách với pháp luật. Hoạt động của Trung tâm cũng góp phần quan trọng trong việc hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định an ninh, chính trị ở từng địa bàn, giảm thiểu các đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.


Bài và ảnh: Vũ Trung Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN