Đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi để tối ưu nguồn vốn trung dài hạn

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh với lãi suất gần 9%/năm. Chứng chỉ tiền gửi đang được nhiều người quan tâm do mức sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm.

Ngày 5/6, Tổng Giám đốc ABBank, ông Cù Anh Tuấn cho biết, phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh là một trong những minh chứng cho những sản phẩm ưu việt giúp các khách hàng của ABBank tối ưu hóa nguồn vốn trung dài hạn, đảm bảo dòng tiền đầu tư sinh lời hiệu quả và an toàn.

Khách hàng giao dịch tại ABBank.

“Chứng chỉ tiền gửi được xem là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, linh hoạt với lợi suất cao. Ngân hàng đang triển khai phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh với kỳ hạn linh hoạt 18, 24, 36 và 60 tháng, áp dụng mức lãi suất ưu đãi lên đến 8,65%/năm. Theo đó, khách hàng tham gia có thể mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh mệnh giá là 10 triệu đồng và bội số của 10 triệu đồng”, đại diện ABBank nói.

Ngoài ra, đối với chứng chỉ tiền gửi trên, khách hàng được cho, biếu, tặng, thừa kế, chuyển nhượng, ủy quyền cho người khác giao dịch, được cầm cố để vay vốn tại ABBank với lãi suất ưu đãi theo quy định của ABBank và pháp luật.

Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt (BaoViet Bank) cũng đã ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho các kỳ hạn 15, 18, 24, 36 tháng với lãi suất lên đến 8,2%/năm dành cho khách hàng cá nhân.

Theo BaoViet Bank, lãi suất của chứng chỉ tiền gửi được cố định trong suốt thời hạn của chứng chỉ. Trả lãi linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng vào cuối kỳ hoặc định kỳ hàng quý. Khách hàng được linh hoạt trong việc sử dụng cho các nhu cầu tài chính khác như cầm cố để vay vốn, chuyển nhượng, ủy quyền và được thanh toán trước hạn.

Khá nhiều khách hàng quan tâm về việc trường hợp đã mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 tháng nhưng muốn rút tiền, nhân viên VietABank chia sẻ, khách hàng không được rút tiền trước hạn nhưng được thế chấp chứng chỉ tiền gửi để vay lại với lãi suất bằng lãi suất thể hiện trên chứng chỉ tiền gửi cộng với biên độ 2,5%. Ngoài ra, khách hàng còn có thể bán chứng chỉ tiền gửi cho người khác, giá cả chuyển nhượng do hai bên thỏa thuận. Khi đó, VietABank sẽ đóng vai trò trung gian xác nhận chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền và không thu phí giao dịch.

Theo bà Trần Hải Yến, Phụ trách phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán Bảo Việt, việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi các kỳ hạn dài tại thời điểm này có nguyên nhân trực tiếp từ quy định tại Thông tư 06. Theo đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống còn 50% kể từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam huy động vốn trung dài hạn khó khăn, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi là một công cụ hữu hiệu để các ngân hàng đa dạng hóa hình thức huy động vốn của mình. "Khách hàng không nên nhầm tưởng lãi suất cao do ngân hàng công bố là cố định suốt thời gian huy động mà chỉ là trong thời gian đầu, sau đó các ngân hàng sẽ thả nổi dựa trên lãi suất trung bình của các ngân hàng lớn cộng với biên độ. Thay vì trả lãi hàng tháng hoặc hàng quý, chứng chỉ tiền gửi được trả lãi sau. Lãi suất 8,5%/năm trả cuối kỳ quy đổi ra cũng chỉ bằng 7,6% nếu theo hình thức trả hàng tháng, hàng quý", TS. Cấn Văn Lực nói.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Bảo hiểm tiền gửi phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng
Bảo hiểm tiền gửi phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về mô hình hoạt động của tổ chức và định hướng sử dụng công cụ tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại để xử lý nợ xấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN