Đưa màu xuống ruộng để 'chung sống với lũ'

Phía Bắc tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp trải qua các huyện: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước (Tiền Giang) là vùng Đồng Tháp Mười mênh mông. Đất nơi đây bị nhiễm phèn nặng, hàng năm thường phải chịu lũ lụt, sản xuất và đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

 

Chăm sóc màu trên ruộng tại vùng ven Đồng Tháp Mười, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

 

Tuy vậy, trong “cái khó ló cái khôn”, thực hiện chủ trương “chung sống với lũ”, những năm qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, nhạy bén áp dụng những mô hình sản xuất mới, hiệu quả, cuộc sống bà con nhờ vậy mà ấm no và an cư lạc nghiệp.


Mô hình để đưa cây dưa hấu xuống trồng luân vụ trên chân ruộng của ông Lê Xuân Thạch ở ấp 2, xã Thạnh Lộc (Cai Lậy) là mô hình tiêu biểu được nhiều nông dân địa phương áp dụng rộng rãi, mở ra một hướng phát triển mới cho miền đất này.


Ông Lê Xuân Thạch tâm sự: Xã Thạnh Lộc nói riêng và khu vực phía Bắc tỉnh Tiền Giang nói chung, trước đây thiên nhiên hết sức khắc nghiệt. Nhiều nơi đất nhiễm phèn nặng không thể canh tác, nên để hoang hóa. Từ khi chính sách khai hoang Đồng Tháp Mười được triển khai đã cởi trói sản xuất, tạo sức sống mới cho đất và người nơi đây, tạo tiền đề để hình thành những vùng chuyên canh: dứa, cây lâm nghiệp, cây lúa năng suất cao và các mô hình canh tác tổng hợp khác.


Gia đình ông Thạch có 0,8 ha đất canh tác, trước đây chuyên trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ. Tuy làm việc cật lực trên đồng, nhưng thu nhập bấp bênh trúng mùa rớt giá và có lúc được giá thì lại mất mùa, chưa kể những năm nước lũ về sớm, gặt hái không kịp coi như trắng tay.


Trước thực tế đó, ông Thạch quyết định tìm mô hình sản xuất bền vững, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu học tập, ông mạnh dạn đưa cây dưa hấu xuống trồng luân vụ trên chân ruộng lúa. Theo ông, cây dưa hấu phù hợp với những vùng đất mới như đồng ruộng Thạnh Lộc, thời vụ ngắn, hiệu quả cao.


Mô hình lúa + dưa còn mang lại những lợi ích khác như tái tạo được độ phì nhiêu cho đất, giảm rủi ro về thị trường nông sản, lợi nhuận cao gấp hai đến ba lần trồng lúa độc canh... Cụ thể, ông Thạch chia thửa ruộng 0,8 ha ra làm 2 phần. Một phần 0,4 ha ông trồng lúa năng suất cao, phần còn lại ông trồng dưa hấu trong vụ đông xuân. Sang vụ hè thu sớm, ông chuyển đổi phần đất đã trồng lúa sang trồng dưa hấu và ngược lại, phần đất đã trồng dưa hấu vụ trước sang trồng lúa năng suất cao. Qua vụ thứ ba trong năm (vụ hè thu chính vụ), ông Thạch tạm ngừng trồng dưa hấu mà thay vào đó trồng lúa trên 100% diện tích.


Trong quá trình canh tác theo mô hình lúa + dưa hấu, ông Lê Xuân Thạch chú ý áp dụng các biện pháp thâm canh khoa học mà cán bộ nông nghiệp chuyển giao thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật trước mỗi vụ sản xuất, kết hợp với kiến thức tìm đọc qua tài liệu, sách báo và kinh nghiệm tích lũy được trong thực tiễn. “Việc tuân thủ đúng lịch thời vụ vừa né được rầy gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, vừa né được lũ gây hại lúa vụ ba.


Bên cạnh đó, cần triệt để áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bón phân theo bảng so màu lá lúa... Những qui tắc cơ bản trên, nông dân phải thuộc nằm lòng, như kim chỉ nam nếu muốn thành công với mô hình mới”, ông Lê Xuân Thạch đúc kết.


Ông Thạch cũng phấn khởi cho biết: Vụ đông xuân, sản lượng dưa hấu của ông đạt 12,4 tấn/4 công đất, 3,2 tấn lúa/4 công đất; vụ hè thu sớm đạt sản lượng lúa 2,4 tấn, dưa hấu 12 tấn còn vụ hè thu chính vụ đạt sản lượng trên 5,1 tấn lúa năng suất cao. Giá lúa từ 5.200 - 5.700 đồng/kg tùy thời điểm, giá dưa hấu từ 5.300 - 6.500 đồng/kg.


Với 0,8 ha đất canh tác, ông Lê Xuân Thạch đạt giá trị sản xuất cả năm trên 201 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất còn lãi ròng gần 105 triệu đồng. Chi phí sản xuất giảm nhờ triệt để thâm canh theo khoa học, bón phân cân đối, giảm chi phí, ít sâu bệnh và lãi cao gấp hai, ba lần so với khi còn trồng lúa độc canh. Đó là lợi ích thấy rõ qua mô hình lúa + dưa của nông dân Lê Xuân Thạch - một trong những nông dân nhạy bén, năng động và cần cù, chịu khó ở miệt Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) hôm nay.


Từ khởi đầu thành công ngoạn mục của ông Lê Xuân Thạch, mô hình lúa + dưa hấu đang được nhân rộng tại các xã Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy) qua Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B (Cái Bè) nhằm hiện thực hóa chủ trương “chung sống với lũ”, biến khu vực này thành vùng sản xuất lúa và dưa hấu quan trọng của tỉnh Tiền Giang, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

 


Bài và ảnh: Minh Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN