Đồng bào Si La nay đã khác - Bài cuối: Còn nhiều nỗi lo

Mặc dù những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách chung hỗ trợ, đầu tư cho nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có những chính sách dành riêng cho các dân tộc rất ít người như Si La, và những kết quả mang lại cho đồng bào đã hiện hữu, nhưng để đồng bào Sila giảm nghèo nhanh và bền vững vẫn là một trăn trở.


 

Canh tác ở vùng đất dốc, phụ thuộc vào nước trời.

Từ năm 2006 – 2010, đồng bào Si La ở Điện Biên và Lai Châu được đầu tư bằng dự án riêng, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Dự án đã đầu tư hàng chục công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và sản xuất, đời sống của bà con đã bớt khó khăn hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, sản xuất còn mang nặng tính tự cung tự cấp, chăn nuôi chậm phát triển, nghề thủ công truyền thống hầu như không có, nên đồng bào Si La ở bản Nậm Sin (Điện Biên), Seo Hai và Sì Thâu Chải (Lai Châu) vẫn chưa thực sự khai thác, phát huy được hiệu quả của dự án, người dân trong bản vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo.


Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Can Hồ, cho biết: Mặc dù xã có sự chỉ đạo sát sao với 2 bản đồng bào Si La sinh sống, nhưng do sự nhận thức của bà con còn hạn chế, nên việc phát triển kinh tế xã hội so với mặt bằng chung còn hạn chế.


Từ chương trình dự án, đồng bào Si La ở Lai Châu cũng như Điện Biên đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ khai hoang ruộng nước trồng lúa 1 vụ/năm, hỗ trợ cho nhân dân dụng cụ lao động sản xuất, nhưng do trình độ dân trí thấp dẫn đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, chăn nuôi còn chậm, việc khai thác sử dụng các công trình được dự án đầu tư chưa hiệu quả. Ông Hù Chà Hù, Trưởng bản Sì Thâu Chải cho biết: Năm 2006, bản được nhà nước hỗ trợ, đầu tư về nước sạch, thuỷ lợi, trâu bò, tấm lợp, nhưng đến bây giờ bà con vẫn đói, nhiều hộ trong bản còn chưa biết trồng lúa nước.


 

Công trình vệ sinh ở bản Sì Thâu Chải không người sử dụng.

Mặt khác, ý thức của người dân trong việc khai thác, sử dụng, bảo quản các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt còn kém. Ông Hù Chà Hù cho biết: Công trình nước sinh hoạt của bản hiện nay không còn bể nào có nước, nguyên nhân chính là do đường ống dẫn vào bể bị vỡ, tắc, các van khoá bị gẫy, rò rỉ. Do thói quen tắm suối và hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước xa nhà, nên bà con không sử dụng, để hoang hóa, cây dại mọc xung quanh, mất vệ sinh. Đến nay, đã hàng chục con trâu dự án cấp cho các hộ nhằm tăng cường sức cày kéo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng do thiếu kiến thức về phòng chống dịch bệnh nên trong thời gian qua nhiều con đã bị chết, số còn lại thì gầy, ốm...


“Để thực hiện có hiệu quả các công trình dự án nhà nước đầu tư, xuất phát từ tình hình thực tế, cấp uỷ chính quyền xã Can Hồ xác định sẽ phải triển khai các biện pháp cụ thể như cử cán bộ trực tiếp xuống các bản, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân phát triển về mọi mặt, đời sống, kinh tế, văn hoá xã hội để cùng đi lên với các dân tộc khác trong xã”, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Cao khẳng định.


Để các giải pháp của cấp uỷ, chính quyền cấp – nơi có đồng bào Si La sinh sống trở thành hiện thực, các xã cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tập trung nâng cao dân trí, xoá bỏ các hủ tục và tư tưởng lạc hậu đã đeo đuổi người dân suốt mấy chục năm qua. Trước mắt, cần chỉ đạo các ngành chức năng như: Phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông khuyến ngư, trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y huyện xuống giúp người dân sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho gia súc và cây trồng; mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người dân trong bản, đồng thời triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông, khuyến ngư tại bản trong đó có cả người dân cùng tham gia, để từ đó người dân thấy được hiệu quả và tin tưởng vào dự án rồi làm theo. Đồng thời hỗ trợ giúp đỡ khắc phục, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Có như vậy, kinh phí đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mới phát huy được hiệu quả, đồng bào Si La ở bản Nậm Sin, Seo Hai, Sì Thâu Chải mới thoát khỏi đói nghèo.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

(Mời xem toàn bộ loạt bài trên trang web: baotintuc.vn)

Đồng bào Si La nay đã khác - Bài 2: Giữ gìn bản sắc văn hóa
Đồng bào Si La nay đã khác - Bài 2: Giữ gìn bản sắc văn hóa

Cùng với phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa của dân tộc Si La cũng được chú trọng bảo tồn. Các nhạc cụ, điệu hát, kho tàng văn học truyền miệng được những người cao niên trong bản Sì Thâu Chải, Seo Hai truyền lại cho con cháu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN