Đón “Tết Năm cùng” với người Dao xứ Thanh

Giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chúng tôi có dịp về thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, không khí rộn ràng của mùa xuân đã len lỏi khắp các đường làng, ngõ xóm.

Cứ đến đầu tháng Chạp hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, mọi công việc trong năm đã tạm ổn, người Dao nơi đây lại tổ chức “Tết năm cùng” để con cháu, anh em đi làm ăn xa trở về báo hiếu với gia đình, tổ tiên…


Không ai nhớ Tết năm cùng của người Dao có từ khi nào, chỉ biết rằng theo phong tục của người Dao ở Thanh Hóa, trong một năm có ba cái Tết đó là Tết Thanh minh, Rằm tháng Bảy và Tết Năm cùng. Trong đó, Tết năm cùng là tết cuối cùng trong một năm và cũng là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Để có một cái Tết no ấm, đầy đủ, ngay từ tháng 10 âm lịch, mỗi gia đình người Dao đã phải chuẩn bị gạo nếp, nuôi gà, nuôi heo.

Phụ nữ trong gia đình quây quần bên mâm cỗ với trang phục truyền thống.

Năm nay, gia đình ông Dương Kim Khoa, thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) làm ăn khá thuận lợi. Dịp này, anh em họ hàng nội ngoại đi làm ăn xa cũng đã về tụ hội đông đủ, đón Tết đông đúc hơn mọi năm. Ngay từ sáng sớm, tất cả mọi người trong dòng họ đã có mặt để giúp gia đình làm cỗ. Mỗi người mỗi việc, người làm thịt lợn, thịt gà, người đồ xôi, giã bánh, lau lá chuối tươi… tất cả đều khẩn trương để kịp giờ hành lễ.


Chia sẻ về tập tục của dân tộc mình, ông Khoa cho biết: "Để chuẩn bị đón Tết Năm cùng, từ giữa tháng 10 âm lịch, gia đình tôi đã nuôi một con lợn và một đàn gà để giết thịt mời anh em họ hàng đến ăn Tết. Tất cả đồ ăn thiết đãi khách đều do gia đình tự nuôi, tự trồng. Tết Năm cùng được xem là nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Dao ở miền núi xứ Thanh nói chung và ở Cẩm Bình, Cẩm Thủy nói riêng; là dịp để tổng kết một năm lao động sản xuất vất vả và cầu mong mội năm mới nhiều điều tốt đẹp, thuận lợi".

Thịt lợn luộc là món chủ đạo của cỗ Tết Năm cùng.

Nét đặc sắc nhất trong mâm cỗ ngày Tết Năm cùng của người Dao là món bánh dì (hay còn gọi là bánh dầy). Đây là món ăn có truyền thống rất lâu đời của người Dao ở vùng cao Thanh Hóa, có ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới ấm no, đủ đầy. Để bánh ngon và dẻo, nhà chủ phải chọn gạo nếp thật ngon, ngâm từ đêm hôm trước đến hôm sau mới mang ra đồ thì bánh sẽ dẻo lâu. Gạo nếp sau khi đồ xong được các thanh niên đưa vào cối giã đến khi có độ quánh vừa phải thì đem ra lăn với bột vừng, sau đó nặn thành bánh. 


Theo tục lệ của người Dao, mẻ bánh đầu tiên tất cả mọi người không ai được nếm hay thử, vì đây là mẻ bánh dành để cúng ông bà tổ tiên, từ mẻ bánh thứ hai trở đi mọi người mới được ăn, các cụ cao tuổi là người được thử trước. Bên cạnh món bánh dì, mâm cỗ cúng tổ tiên và cỗ Tết Năm cùng của người Dao không thể thiếu thịt lợn luộc và thịt gà. Các loại thịt, lòng, gan được thái nhỏ, trộn đều và dồn vào miếng lá chuối lớn gọi là cỗ lá. Tùy thuộc vào kinh tế mỗi gia đình mà các món ăn được làm nhiều hay ít, gia đình nào làm ăn khấm khá thì cúng bằng gà trống và thủ lợn.

Để có tết đủ đầy, gia đình người Dao chuẩn bị rất nhiều thịt.

Đối với người Dao, nghi lễ cúng tổ tiên ông bà rất quan trọng nên thông thường mỗi gia đình phải mời ít nhất 3 thầy cúng, nhiều là 5 thầy tới giúp. Các thầy cúng phải là những người có chức sắc trong làng, có mặt sớm nhất để thay mặt gia chủ trình bẩm với tổ tiên những công việc đã làm được và những công việc còn chưa làm được trong năm; đồng thời cầu mong một năm mới đủ đầy, sung túc. Khác với người Kinh, thay cho tiền vàng mã người Dao sử dụng các tờ giấy màu bạc, màu vàng để cắt thành từng thỏi và đóng dấu lên đó. Trong lễ cúng, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng lá quế hoặc vỏ quế khô bỏ vào một cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi.


Lễ cúng hoàn tất, cũng là lúc anh em, họ hàng con cháu được quây quần bên mâm cỗ Tết. Theo phong tục của người Dao, thức ăn không bày trên mâm mà được bày trên lá chuối tươi để nhắc nhở con cháu khắc ghi về cuộc sống lưu tán, du canh du cư của tổ tiên người Dao từ hàng trăm năm trước…


Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, xã hiện có 3 dân tộc Kinh, Dao, Mường. Riêng đồng bào Dao, một năm thường có 3 nghi lễ lớn, đầu năm có Tết Thanh minh, giữa năm có Rằm tháng Bảy và cuối năm có Tết Năm cùng; trong đó, Tết Năm cùng là nghi lễ bắt buộc của đồng bào Dao, bắt đầu từ mùng 1 tháng Chạp cho đến Tết Nguyên đán. Địa phương luôn tôn trọng, khuyến khích đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Dao nói riêng gìn giữ và phát huy các nghi lễ theo phong tục tập quán.

Khiếu Tư (TTXVN)
Lễ hội 12 con giáp của người Dao
Lễ hội 12 con giáp của người Dao

Người Dao ở Yên Bái có nhiều nghi lễ thờ, cúng quan trọng, trong đó có Lễ hội “12 con giáp” hay còn gọi Lễ hội cầu mùa luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Mỗi năm có 3 lần tổ chức lễ hội: ngày 2/2, 6/6 và 22/12 âm lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN