Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 6km xuôi theo quốc lộ 279 về phía nam, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) hiện ra với khung cảnh ruộng đồng bao la xanh mướt, điểm xuyết những bản làng trù phú ẩn hiện dưới vườn cây. Khó có thể tin được vùng đất lịch sử này 60 năm trước từng là trại tập trung mang tên Noong Nhai và đã bị thực dân Pháp dùng máy bay ném bom làm chết 444 người vô tội, trong đó hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em. * Vẫn còn đó những dấu tích thương đau
Năm 1952, chiến dịch Tây Bắc kết thúc, tỉnh Lai Châu (cũ) được giải phóng, nhân dân các dân tộc xứ Mường Then được sống trong bình yên chưa lâu thì cuối năm 1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp đã dồn dân vào bốn trại tập trung. Noong Nhai là một trong số đó, tập trung dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống do đồn Hồng Cúm giám sát, cai quản. Các trại tập trung này quân Pháp âm mưu dựng lên nhằm cách ly nhân dân với bộ đội, đồng thời làm "bia" đỡ đạn nếu bộ đội ta đánh Ðiện Biên Phủ. Các nạn nhân trong trại tập trung này phải làm việc khổ sai như chặt cây, xây dựng hầm hào, đồn bốt cho chúng. Trên một vùng diện tích chưa đầy 10ha, trại tập trung Noong Nhai có tới hơn 3.000 dân sống trong các lán trại bằng tre, nứa, rơm rạ chật hẹp và mất vệ sinh.
Các cựu chiến binh thăm nghĩa trang Độc lập hôm 18/3 và thắp những nén nhang tri ân đồng đội hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN |
Khi chiến dịch Ðiện Biên Phủ bước vào đợt tiến công thứ hai, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ rơi vào tình thế bị bao vây, đứng trên bờ vực bị tiêu diệt. Khoảng 14 giờ ngày 25/4/1954, quân Pháp đã cho máy bay xuất phát từ hướng nam bay thẳng tới trại tập trung Noong Nhai và điên cuồng dội bom vào dân chúng vô tội. Sự kiện này đến bây giờ, ông Lò Văn Inh (76 tuổi, ở bản Noong Nhai 1), nhân chứng lịch sử năm đó, vẫn còn nhớ rõ.
Ông Inh cho biết: Lúc ấy chúng tôi nghe thấy những tràng nổ đinh tai nhức óc, tiếng động cơ gầm rú trên bầu trời, rồi mặt đất rung chuyển, khắp nơi xuất hiện những cột khói đen cao hàng chục mét như muốn bao trùm tất cả. Mọi người chạy ra ngoài, thấy một cảnh tượng thật hãi hùng: Hàng ngàn con người đều hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau mà chạy. Tiếng la ó, gào thét của người bị thương nghe thật thảm thương nhưng chẳng ai dám dừng lại. Xác người nằm ngổn ngang trên mặt đất, nhiều người bị cháy sém không nhận ra hình dạng nữa. Mãi đến tối đêm, mọi người mới dám lần ra thu gom, chôn cất người chết. Trong vụ thảm sát đó, nhiều hộ gia đình đã không còn một ai… Hiện khu tưởng niệm những người dân vô tội bị chết bởi bom đạn của thực dân Pháp năm đó được đặt tại bản Noong Nhai. Bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã chết vì bom giặc trên tay như một thông điệp nhắc nhở thế hệ con cháu hôm nay mãi nhớ về những năm tháng đau thương của dân tộc.
* Đổi thay trên vùng đất lịch sử Sau chiến tranh, kinh tế Thanh Xương gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân khổ cực. Nhưng với quyết tâm đi lên của người dân, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sau bao năm “nung nấu” ý chí thoát nghèo, người dân Thanh Xương đã có những bước phát triển mới trên mọi lĩnh vực của cuộc sống; cái đói, cái nghèo trong những mùa giáp hạt đã được đẩy lùi.
Hơn nửa thế kỷ qua đi, Thanh Xương giờ đây không còn hoang tàn như thời sau chiến tranh và đang khởi sắc, vươn mình trong “nắng mới” dưới ngọn cờ của Đảng. Để chứng minh cho sự đổi thay và phát triển của Thanh Xương cũng như đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng sung túc, ông Lò Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã đã đưa chúng tôi đi thăm trường học, trạm y tế, cơ sở sản xuất...
Ông Ngọc hồ hởi cho biết, những năm qua, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Ðảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, lao động cần cù, sáng tạo. Vì vậy, kinh tế của xã ngày một tăng trưởng, văn hóa – xã hội luôn được duy trì và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên đáng kể.
Thanh Xương hiện có hơn 7.600 khẩu/1.894 hộ, với 3 dân tộc chính là Kinh, Thái và Khơ Mú. Nhờ được tập huấn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất lúa bình quân cả năm của xã đạt 64,50 tạ/ha; sản lượng lương thực bình quân 750 kg/người/năm; đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản hàng năm đều tăng trưởng khá.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Xương chỉ còn 4,84% và 5,6% hộ cận nghèo. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm", đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã cơ bản được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em và phục vụ tốt hơn việc khám, chữa bệnh cho nhân dân trong xã. 100% số hộ trong toàn xã có điện sinh hoạt, 98% số hộ gia đình có nhà lợp ngói, trên 80% số hộ có ti vi và xe máy. Xã luôn giữ vững quy mô trường, lớp cũng như số học sinh. Hàng năm, xã có trên 98% số trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp; 100% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1; hơn 98% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; số học sinh chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt từ 95% đến 98% và tỷ lệ tốt nghiệp từ 98% đến 100%. Hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ luôn được xã duy trì và thường xuyên tổ chức giao lưu, nhất là vào các ngày lễ, Tết hay sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước.
Những ngày này, các thôn, bản mở hội đón khách lên thăm nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ trung tâm xã đến các bản, tiếng trống xòe rộn rã, hòa cùng những làn điệu chèo, khúc dân ca của đồng bào Thái, Khơ Mú ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, như mời chào du khách gần xa đến với Thanh Xương, cùng cảm nhận hương đất tình người sâu đậm nơi đây.
Nguyễn Cường - Xuân Tiến