Đồng bào dân tộc Mông ở xã Mường Lống đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Là một xã rẻo cao, Mường Lống có khí hậu mát mẻ nên rất phù hợp để canh tác cây chanh leo. Huyện Kỳ Sơn đã đầu tư trồng thử nghiệm chanh leo tại hai hộ dân ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống với diện tích 2 ha. Là một trong hai hộ dân được chọn tham gia trồng thử nghiệm cây chanh leo, ông Vừ Tồng Pó, bản Mường Lống 1, cho biết: So với các loại cây trồng khác, cây chanh leo chi phí đầu tư ít, lại tận dụng được phân chuồng. Trong mùa thu hoạch đầu tiên với 600 cây chanh leo, gia đình ông đã thu được hơn 300 triệu đồng. Thời gian tới gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng chanh leo.
Chăm sóc vườn cây chanh leo tại gia đình ông Vừ Tồng Pó, bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. |
Một ha trồng cây chanh leo phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng, bao gồm tiền giống, cọc bê tông, thép làm dàn và phân bón. Bù lại cây chanh leo có thể lưu gốc được khoảng 5 năm mới phải trồng lại nên hiệu quả của nó mang lại cao hơn nhiều loại cây công nghiệp hiện đang được gieo trồng tại Nghệ An. Cây chanh leo được trồng thử nghiệm tại Mường Lống cho năng suất tới 20-24 tấn/ha.
Các loại cây như mận tam hoa, đào, khoai sọ, gừng tươi cùng một số loại cây ăn trái khác cũng được người dân tích cực gieo trồng chăn nuôi trâu, bò. Người dân ở Mường Lống còn phát triển diện tích trồng cây cỏ voi - thức ăn cho trâu bò, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tại bản Mường Lống 1, hiện có 100% số hộ trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, thu nhập bình quân hộ/năm khoảng 50-60 triệu đồng.
Mường Lống đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và nguồn lực tại chỗ để thực hiện giảm hộ nghèo. |
Nhà anh Vừ Giống Và ở bản Mường Lống 2 nuôi 45 con trâu, bò thương phẩm, đặc biệt hơn nửa trong tổng số đàn bò là giống bò vàng (giống bò địa phương). Khác với giống bò lai sind, bò vàng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng cũng như thức ăn ở vùng đất này nên phát triển rất nhanh. Thịt bò vàng thơm ngon nên rất được giá, thương lái lên mua tận nơi. Mỗi năm anh bán một lứa bò, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Anh Vừ Giống Và cho biết: Sau khi bỏ trồng cây thuốc phiện, gia đình anh tập trung chăn nuôi trâu, bò. Anh mong muốn được hỗ trợ giống chăn nuôi, xây dựng chuồng trại để chăn thả trâu, bò.
Mường Lống hiện vẫn là một xã nghèo đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều vẫn còn rất cao, tới 58,52% (522/894 hộ). Xã vẫn còn 3 bản chưa có đường đi xe máy và 8 bản chưa có điện lưới quốc gia. Đặc biệt, đầu năm 2016, Mường Lống đã bị nhiều thiệt hại do đợt băng giá lịch sử và dịch bệnh đối với gia súc. Thế nhưng, bằng sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách và sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, Mường Lống đã có nhiều đổi thay; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và dịch vụ xã hội trên địa bàn xã đã phát triển với hệ thống đường giao thông tới trung tâm xã và liên thôn bản được đầu tư nâng cấp và kiên cố hóa.
Trồng chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được người dân Mường Lống mở rộng diện tích. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống, Vừ Bá Lềnh, thời gian tới Mường Lống tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, xóa tâm lý tự ti, không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp trong một bộ phận người dân. Xã cũng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, hội thảo giúp người nghèo thay đổi nhận thức và phong tục tập quán canh tác lạc hậu; xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình... Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn thiếu vốn sản xuất, vì vậy chính quyền địa phương rất mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn sản xuất. Cơ quan chức năng cũng cần có chính sách hỗ trợ về "đầu ra" cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.