Doanh nghiệp trước cơ hội và sức ép cạnh tranh

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ đem lại những lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn. Theo đó, chỉ riêng nhờ việc cắt giảm thuế quan, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tăng từ 30 - 40%. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi EVFTA được ký kết.


Bước ngoặt lớn trong thương mại Việt Nam - EU


Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chuyên gia chính của Dự án (EU - MUTRAP), dự kiến trong tháng 9/2014, Hiệp định EVFTA sẽ được ký kết, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với EU. Cụ thể, hàng rào phi thuế quan vào năm 2015 có thể được dỡ bỏ, mức cắt giảm thuế về 0% với ít nhất 90% số mặt hàng mà ta xuất khẩu sang thị trường EU. Ngoài ra, nguồn vốn từ EU đầu tư vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên. Cùng với đó, Việt Nam có thêm khoảng 95.000 người sẽ thoát nghèo vào năm 2020.

 

Khi hiệp định FEVFTA được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít cơ hội và thách thức.


Với Việt Nam, EU hiện là thị trường có vị trí hàng đầu trong xuất khẩu và đầu tư. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này tăng trưởng ổn định với tốc độ cao, bình quân khoảng 15 - 20%/năm. Chỉ tính từ năm 1995 - 2012, kim ngạch xuất khẩu của nước ta vào EU tăng 20 lần. Riêng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 23,4 tỷ USD. Không chỉ thế, EU cũng là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với tổng vốn đạt 17 tỷ USD cùng 1.300 dự án. Trong khi đó, Việt Nam cũng có 33 dự án đầu tư vào EU với tổng số vốn khoảng 110 triệu USD.


Ngoài ra, EU cũng cung cấp 5,2 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam, trong đó có 43% là viện trợ không hoàn lại. “Chính vì vậy, tác động của Hiệp định EVFTA đến kinh tế, xã hội của Việt Nam là rất lớn, tạo động lực cho đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Trương Đình Tuyển nhận xét.


Cũng theo các chuyên gia của EU - MUTRAP, các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, do Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu là các sản phẩm thô, hàng hóa thực phẩm như rau quả, thủy sản... nên doanh nghiệp của ta sẽ gặp khó khăn theo hướng liên hoàn. Nếu một vài sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm của EU thì sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt sản phẩm khác. Bởi EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, không phải DN nào cũng có thể đáp ứng và đưa hàng vào EU được.

 

Chẳng hạn với mặt hàng thủy sản, EU đưa ra tiêu chuẩn về dư lượng hóa chất, kháng sinh rất khắt khe. Hàng năm, EU phải duyệt danh sách DN được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Với các sản phẩm dệt may, giày dép, gỗ, việc yêu cầu xuất xứ nguyên liệu của EU có thể làm khó cho các ngành này. Cụ thể, EU có các quy định làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của nguồn nguyên liệu chế tạo ra những sản phẩm, những quy định của EU về đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế hóa chất trong sản phẩm. Đây thực sự là những rào cản đối với với DN Việt Nam.


Ngoài ra, khi ký kết EVFTA, DN Việt Nam cũng sẽ vấp phải những bất lợi về cạnh tranh, chia sẻ thị trường khi giảm thuế. Theo ông Trương Đình Tuyển, cốt lõi của vấn đề phụ thuộc nhiều vào sự chủ động và khả năng cạnh tranh của DN nội. Do đó, các DN Việt Nam cần có một sự chuẩn bị, lộ trình thích hợp trước khi tiến hành ký kết EVFTA.


Cần thay đổi tư duy


Nhiều chuyên gia cho rằng, quan hệ kinh tế giữa EU và Việt Nam hỗ trợ nhau là chính. Vì thế, về cơ bản trong dài hạn, Việt Nam sẽ có cơ hội chuyển từ ưu đãi sang đối tác. “Song để làm được điều đó, DN Việt Nam cần thay đổi tư duy, cụ thể là đổi mới chiến lược kinh doanh cũng như đầu tư, cải tiến công nghệ. Theo đó, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ nhờ vào thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại được giảm một cách tối đa, bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia dự án EU - MUTRAP nhận định.


Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (Vasep), EU là thị trường lớn và đặc biệt quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Hiện EU áp thuế hàng thủy sản 10,8%. Khi EVFTA được ký kết cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ thuế suất khi xuất khẩu thủy sản sang EU. Điều này sẽ tạo lợi thế quan trọng cho DN Việt Nam với các đối thủ khác trên thị trường EU. Tuy nhiên, các DN chế biến thủy sản Việt Nam phải gánh nhiều chi phí trong việc tuân thủ các qui định SPS (tiêu chuẩn an toàn thực phẩm) và bảo tồn nguồn lợi khi xuất khẩu vào EU.


Ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, hiện DN nội đang gặp nhiều rào cản về thể chế, pháp lý, sở hữu trí tuệ... Do đó, trước khi tham gia Hiệp định EVFTA, chúng ta phải điều chỉnh một loạt các văn bản, sửa lại một số luật, các quy phạm pháp luật hình sự, hành chính và cải tiến môi trường đầu tư. Tất cả các thủ tục liên quan đến môi trường kinh doanh, Việt Nam phải phấn đấu cải thiện trong thời gian 2014 - 2015.

 


Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN