Điều tra vụ trẻ 5 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem

Bé Nguyễn Ngọc Tường Vy (5 tháng tuổi), là con ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem tại Trung tâm Y tế xã Ngọc Kỳ.


Chiều 29/10, ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hải Dương cho biết: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có báo cáo bằng văn bản lên Sở Y tế, UBND tỉnh Hải Dương, Cục Y tế Dự phòng; tham mưu cho các đơn vị về việc thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá sự cố liên quan đến trường hợp bé Nguyễn Ngọc Tường Vy (5 tháng tuổi), là con ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem tại Trung tâm Y tế xã Ngọc Kỳ.


Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ, sáng 25/10, bé Tường Vy được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Ngọc Kỳ để tiêm chủng theo lịch. Tại Trạm y tế xã, bé Tường Vy đã được bác sĩ Nguyễn Như Bắc khám sàng lọc trước tiêm, tư vấn và kết luận đủ điều kiện để tiêm chủng. Sau khi tiêm xong, người nhà bé Vy được hướng dẫn đưa bé sang phòng theo dõi sau tiêm chủng để theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút.


Sau khi được theo dõi 30 phút tại Trạm y tế, bé Vy được người nhà đưa về nhà. Đến 15 giờ 20 phút ngày 26/10, bé Vy sốt 37,4 độ C và xuất hiện nốt tím 2 bên mông và cẳng chân. Khoảng 16 giờ cùng ngày, bé Vy được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tứ Kỳ và được chẩn đoán là sốt, thiếu máu chưa rõ nguyên nhân và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Hải Dương.


Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Hải Dương Nguyễn Đức Hùng cho biết: Bé Nguyễn Ngọc Tường Vy nhập viện Nhi Hải Dương lúc 18giờ 20 phút ngày 26/10 trong tình trạng lơ mơ, kích thích vật vã, sốt cao 39 độ C. Người bé nổi vân tím ở mông và chân, khó thở, thở nhanh, nhịp tim nhanh. Các bác sĩ đã làm xét nghiệm và chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn. Các y bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản, cho bé thở máy và bù dịch, tiêm kháng sinh hạ sốt, tiêm thuốc vận mạch. Trong quá trình điều trị, bé vẫn phải duy trì thở máy, da môi tái, mạch nhanh, có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn, sốt cao liên tục. Đến khoảng 4 giờ ngày 27/10, bé Vy tử vong và được chẩn đoán là suy đa tạng trên bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn.

Bác sĩ Hùng cũng cho biết, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ đã trao đổi tình hình và diễn biến tình trạng sức khoẻ của bé cho người nhà bệnh nhân. Sau khi sự việc đáng tiếc này xảy ra, Bệnh viện Nhi Hải Dương đã báo cáo kịp thời với Sở Y tế Hải Dương về trường hợp bệnh nhân tử vong diễn biến bất thường.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hải Dương, vắc xin Quinvaxem được tiêm cho bé Tường Vy nằm trong lô 1453322.03, do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cấp, có thời hạn sử dụng đến tháng 7/2017. Trong tổng số 20.000 liều được bổ sung về cho Hải Dương trong tháng 10/2015, đã có 13.659 liều được phân phối về các thành phố, huyện, thị xã. Hiện còn 6.341 liều đang được bảo quản trong nhà lạnh của Trung tâm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cấp cho 836 liều cho Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ và đã được sử dụng hết. Cho đến thời điểm này, trường hợp bé Tường Vy là trường hợp đầu tiên ghi nhận có biến chứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem.

Theo ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương tiếp nhận vắc xin Quinvaxem từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vận chuyển theo định kỳ, có kế hoạch, có biên bản bàn giao, có kiểm tra về quy trình bảo quản. Đến đầu năm 2015, Hải Dương là 1 trong 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hoá được Viện Kiểm định vắc xin Quốc gia cung cấp cho một nhà bảo quản vắc xin có dung tích 30m3.

Để vận hành nhà bảo quản này, Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn đã qua đào tạo phụ trách. Trước 1 – 2 ngày theo định kỳ tiêm chủng hàng tháng, các Trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã sẽ lên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy vắc xin, việc vận chuyển vắc xin Quinvaxem về các đơn vị được chở bằng hòm lạnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Mạnh Minh (TTXVN)
Trẻ tử vong tại Đắk Lắk không liên quan đến tiêm vắc xin
Trẻ tử vong tại Đắk Lắk không liên quan đến tiêm vắc xin

Vụ việc trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo không liên quan đến tiêm phòng vắc-xin viêm gan B.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN