Con gái tôi đang học lớp hai, tuy không phải là học sinh xuất sắc nhưng cũng thuộc “tốp 10” của lớp. Mà đã là “tốp 10” thì cũng có nghĩa là thuộc diện bồi dưỡng học sinh giỏi nên ngoài giờ học trên lớp, con gái tôi phải luyện thêm toán ở nhà. Và thế là, mỗi tối, thay vì thư giãn thả người trên salông xem phim trong khuôn khổ “giờ vàng”, tôi lên gân, miệng ra rả giảng và chẳng tối nào là không phát khùng lên vì cô con gái không... thông minh theo ý tôi.
Kim đồng hồ chỉ vào 8 giờ. Con tôi đọc đề bài: “Một cửa hàng ngày đầu tiên bán được 20 kg gạo, cuối ngày, số gạo còn lại là 38 kg, để chuyển sang ngày hôm sau bán. Cuối ngày hôm sau, cửa hàng chỉ còn lại 2 kg. Hỏi cả hai ngày, cửa hàng đó bán được bao nhiêu kg? Tổng lượng gạo của cửa hàng đó trước khi bán là bao nhiêu kg?”.
Vừa đọc xong đề, con gái tôi gục xuống bàn:
- Rắc rối quá mẹ ơi. Con không làm được.
- Đọc kỹ đề bài- Tôi dằn giọng.
Năm phút trôi qua.
- Con đã có câu trả lời chưa? Cả hai ngày cửa hàng đó bán được bao nhiêu kg?- Giọng tôi trở nên khô khốc.
- Dạ, 70 kg- Con tôi e dè đáp.
- Hả? Trời ơi... Tôi gào lên vì không kiềm chế được nữa. Sự tức giận vì đứa con tối dạ lại được dịp bung ra (tất nhiên là tối nào cũng thế)...
Cuối cùng thì bài toán này mẹ con tôi cũng tìm ra đáp số. Nhưng tôi bị con gái bảo:
- Mẹ chẳng khác nào phù thủy. Lúc mẹ quát con, trông mẹ thật đáng sợ.
Chồng tôi cũng nhân cơ hội ấy “chua” thêm:
- Em chẳng có nghiệp vụ sư phạm gì cả. Dạy con thì phải nhẹ nhàng. Có thế con nó mới tiếp thu được chứ.
Thấy tôi im lặng, chồng tôi như được dịp:
- Em mà không rút kinh nghiệm thì không khéo sau này con cũng “phù thủy” giống em đấy!
Vừa tức chồng, vừa bực con vì chẳng coi trọng công sức của mình, tôi lên giọng:
- Có giỏi thì tối mai hai bố con bảo nhau học. Phù thủy thì chẳng dám dạy người nữa.
Nói rồi, tôi đóng sầm cửa phòng ngủ lại, mặc cho hai bố con nhìn nhau ngơ ngác.
Tối hôm sau, kim ngắn của đồng hồ đã nhích qua con số 8; kim dài chỉ vừa vặn con số 4, tôi vẫn ngồi dán mắt vào ti vi xem diễn viên Danh Tùng và Jennifer Phạm tung hứng trên màn ảnh trong bộ phim “Xin thề anh nói thật”. Cô con gái xem chừng sốt ruột lắm. Bố nó thì đang bận bịu với một đống báo, thỉnh thoảng buột ra những câu tiếc rẻ vì đội bóng yêu thích cứ liên tục bị “rách lưới”.
Có vô tâm đến mấy thì hôm đó chồng tôi cũng nhận thấy sự bất bình thường vì chẳng thấy tiếng gào thét nào của tôi. Bỏ lại đống báo với những thông tin đầy hấp dẫn, người đàn ông điềm tĩnh trong gia đình tôi lại gần bàn học của con gái. Buổi kèm cặp diễn ra tốt đẹp trong nụ cười mãn nguyện của con gái và trong ánh mắt hả hê của chồng tôi. Buổi thứ 2, không khí dạy và học kém hôm trước nhưng vẫn kết thúc trong yên ắng kèm với ánh mắt như trêu ngươi của chồng tôi. Sang buổi thứ 4, bắt đầu có tiếng quát tháo, và buổi thứ 5, “mâu thuẫn” giữa “thầy” và “trò” đã có cơ hội bột phát khi tiếng đập bàn bắt đầu xuất hiện.
Sau buổi học hôm đó con gái tôi bình luận:
- Bố cũng chẳng khác gì mẹ, hơi một tí là quát con.
Chồng tôi thì như vừa rơi trên thiên đường xuống hạ giới vì bị con hạ bệ, bèn kết luận một câu:
- Thôi thì thế này, bố mẹ sẽ thay phiên nhau kèm con, mỗi người một buổi. “Hoa thơm mỗi người hưởng một tí”- vừa nói, người đàn ông điềm tĩnh đánh mắt về phía tôi hy vọng nhận được sự đồng thuận.
Nghe vậy tôi mừng lắm nhưng vẫn cố giữ vẻ mặt vô cảm của một phù thủy bị thất sủng. Ít ra từ nay tôi cũng không phải một mình “chiến đấu” với công việc khó khăn và gian khổ này.
Thu Hường