Đề nghị ngừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Ngày 23/4, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCNMT) của Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư về dự án xây dựng hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về hệ lụy xấu đến môi trường, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa khu vực quanh dự án và vùng hạ lưu sông Đồng Nai nếu như hai dự án trên được triển khai.


Cần phải có những giải trình khách quan, khoa học


Theo ông Trần Văn Tư, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, việc quy hoạch và phát triển các bậc thang thủy điện trên thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai từ nhiều năm nay đã xảy ra tình trạng khô hạn ở phía hạ nguồn. Nguyên nhân là do các đập thủy điện tích nước, do đó lượng nước đổ về hạ lưu ít dẫn đến khô hạn, mặn xâm cao. Trong khi mùa mưa các hồ chứa lại xả lũ dẫn đến hạ du bị ngập lụt... Do vậy, nếu tiếp tục triển khai các công trình thủy điện sẽ gây những tác động xấu cho dòng sông Đồng Nai, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của gần 20 triệu dân đang dùng nguồn nước của dòng sông này... Ông Tư đề nghị không nên triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai.

Theo quy hoạch, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng trên dòng chính của sông Đồng Nai do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư với tổng công suất 240 MW. Khi xây dựng, hai nhà máy thủy điện này sẽ làm ngập một diện tích rừng rất lớn, đặc biệt chiếm dụng 170 ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên - Khu dự trữ sinh quyển thế giới và là địa danh vừa được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.


Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm UBKHCNMT của Quốc hội cho biết, Ủy ban được Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ rà soát lại các công trình thủy điện, đặc biệt lưu ý đến các vấn đề an toàn các công trình đập và bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện nay Ủy ban vẫn chưa nhận được báo cáo khả thi đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông Huy bày tỏ quan điểm, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Do đó đối với hai dự án thủy điện này, cần phải có những giải trình khách quan, khoa học. Đồng thời cần phải xem xét lại việc tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật, cân nhắc sự được - mất nếu triển khai dự án. Ông Huy cũng đề nghị cần có đánh giá tổng thể các bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội vùng hạ lưu.


Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bày tỏ quan điểm quan ngại đối với việc quy hoạch hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Bà Thanh cho rằng, hiện nay, các bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai đã và đang có những tác động tiêu cực đến vùng hạ lưu. Nhiều năm qua, do các hồ chứa trên thượng nguồn thi nhau tích nước, dẫn đến đập cuối cùng trên sông Đồng Nai là thủy điện Trị An không tích được nước, điều đó không những ảnh hưởng đến quá trình sản xuất điện mà dẫn đến tình trạng khô hạn và mặn xâm cao cho các vùng hạ du.

Trình Quốc hội xem xét


Ông Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu triển khai sẽ làm mất một lượng lớn diện tích rừng, trong đó có diện tích lớn rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên mà đơn vị này quản lý. Do đó, ông Hải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những đánh giá toàn diện, điều tra kỹ càng đối với việc đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện trên. Ông Hải cũng cho biết, thời gian qua việc phát triển các công trình thủy điện đã làm mất 20.000 ha rừng, trong khi số diện tích rừng được trồng lại là rất nhỏ.


Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, việc mất rừng để nhường đất cho thủy điện chính là làm mất vĩnh viễn các giá trị văn hóa tự nhiên. Ông Long nói, chủ đầu tư cho rằng sẽ trồng rừng để bù đắp lại diện tích rừng bị mất. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa và tính đa dạng sinh học của những khu rừng nguyên sinh đó sẽ bị mất vĩnh viễn mà không thể tái tạo. Mặt khác, sông Đồng Nai được các nhà văn hóa trong nước cũng như thế giới đánh giá đây là “dòng sông văn hóa” vì đây là hệ thống sông duy nhất của Việt Nam khởi nguồn từ trong nước và đổ ra vùng biển của Việt Nam chứ không phải khởi nguồn từ một quốc gia nào khác. Do đó, trên góc độ cơ quan quản lý về văn hóa, ông Long đề nghị cần phải bảo vệ nét đẹp văn hóa của dòng sông này.


Đối với vấn đề làm mất và tái tạo rừng, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam trước đó cũng đã nhận định: Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đối với hai dự án thủy điện trên cho rằng, việc bảo tồn thực vật rừng sẽ được chủ dự án thực hiện bằng cách trồng cây tại khu vực cấp đất tạm thời và làm giàu thêm các loài sống trong rừng. Tuy nhiên trong những phần còn lại của báo cáo lại không có luận cứ nào cho thấy đã có vị trí diện tích đất dự trữ cho việc trồng lại rừng và cũng không có bản cam kết nào của Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên và UBND 3 tỉnh quanh dự án là đã có hơn 372 ha đất trống dành riêng cho Tập đoàn Đức Long Gia Lai thực hiện chương trình trồng lại rừng.


Tại buổi làm việc, một số đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng hồ chứa lớn và đập thủy điện sẽ trực tiếp chia cắt con đường di cư của những cá thể nguy cấp. Đây là một trong những nguy cơ mất mát lớn liên quan đến tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên, địa danh đang được UNESCO xem xét công nhận là “di sản thiên nhiên thế giới”.


Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCNMT của Quốc hội cho rằng, việc phát triển các công trình thủy điện để cung cấp điện phục vụ quá trình phát triển đất nước là rất quan trọng. Tuy nhiên khi phát triển một công trình thủy điện, không chỉ đơn thuần xem xét về vấn đề kinh tế mà phải đặt trong tổng quan các mối quan hệ xã hội. Ông Dũng cho biết, Ủy ban sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp vào trung tuần tháng 5 tới để Quốc hội xem xét đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.


Sỹ Tuyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN