Để lễ hội xuân an toàn

Mỗi độ xuân về, người dân trên mọi miền đất nước lại có dịp đi lễ hội - một nét đẹp truyền thống lưu truyền từ lịch sử. Tuy nhiên, lễ hội truyền thống ra Giêng mỗi năm đang kéo theo bao hệ lụy mà nguyên nhân của nó là do chính quyền sở tại quản lý chưa nghiêm, nói đúng hơn là thiếu trách nhiệm nên tệ nạn ở các lễ hội phát triển như “nấm mọc sau mưa”.


Có thể nói chưa có nước nào trên thế giới có nhiều lễ hội như ở Việt Nam. Cứ một ngày trôi qua, nước ta có 20 lễ hội ở các địa phương. Những lễ hội có từ lâu đời mang tính truyền thống tâm linh, nhưng có cả lễ hội dạng “phú quí sinh lễ nghĩa” mới được con người “dựng” lên. Vấn đề không phải là nhiều hay ít lễ hội, mà cách quản lý đối với lễ hội ở mỗi chính quyền địa phương thế nào cho đúng, để nhân dân thấy việc đi lễ hội vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống hiếu nghĩa nhân ái, vừa là điểm tựa tinh thần trong đời sống tâm linh.


Đầu xuân, có những lễ hội khiến chúng ta không khỏi kinh hoàng về sự hỗn loạn, đồng thời phản ánh sự bất lực của chính quyền địa phương sở tại và cơ quan chức năng. Thật thảm thương cho những người đi lễ hội bị giẫm đạp hoặc bị biển người gò ép đến chết ngất, ngạt thở mà không thể thoát thân. Thay vì đến lễ hội để an tịnh tinh thần, nguyện cầu may mắn thì lại bị xô đẩy chen lấn, bị quán hàng chặt chém, kẻ cắp móc túi hoặc cướp giựt, cò mồi lừa gạt, nạn cờ bạc đỏ đen sát phạt nhau, nạn mê tín dị đoan, thậm chí “nở” cả dịch vụ “tươi mát”.

Bởi thế người dân đi những lễ hội lớn như lễ hội khai ấn ở Nam Định, lễ cầu lộc cầu tài ở đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, lễ hội chùa Hương nhiều khi cảm thấy kinh hoàng. Sau lễ hội, hàng loạt vấn đề kéo theo như ô nhiễm môi trường, rác thải, đời sống người dân địa phương đảo lộn vì lễ hội kéo dài. Những tiêu cực trong lễ hội qua hàng năm như “lối mòn lạc hậu khó sửa” mà nó còn được phát triển theo chiều hướng tiêu cực hơn nếu không có bàn tay chấn chỉnh nghiêm túc kịp thời và quyết liệt của sở văn hóa thông tin thể thao và du lịch và chính quyền địa phương sở tại.


Để lễ hội thực sự là nét đẹp văn hóa lành mạnh, nhất thiết phải bảo đảm an toàn cho người đi lễ hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan, cờ bạc, nạn chặt chém, cò mồi, lừa gạt.


Để lễ hội trong mùa xuân Giáp Ngọ diễn ra trong không khí linh thiêng, an toàn, trước hết, cơ quan công an địa phương phải vào cuộc. Ngoài việc quản lý, qui định nghiêm ngặt việc buôn bán, vệ sinh, điều đặc biệt phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, chính quyền nhân dân mỗi địa phương phải gương mẫu, chấp hành nghiêm các qui định lễ hội.


Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN