Để chính sách đi vào cuộc sống

Năm 2010 - năm đầu tiên thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tại Đồng Nai chỉ có duy nhất một trường hợp đăng ký học nghề, sang năm 2011 có 6 người lao động tham gia. Trước thực trạng này, Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ (đóng tại Đồng Nai) đã thực hiện nhiều giải pháp, từ đây chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thất nghiệp đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Chỉ riêng 10 tháng năm 2013, tại Đồng Nai đã có gần 1.400 lao động đăng ký học nghề.


Theo lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ, giai đoạn từ năm 2010 - 2012, hàng tháng đơn vị này tiếp nhận khoảng 3.000 lao động đăng ký thất nghiệp. Song tất cả số lao động này chỉ quan tâm việc nhận trợ cấp thất nghiệp và giải quyết quyền lợi về bảo hiểm y tế. Người lao động không biết và cũng không quan tâm đến việc mình được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm. Trong khi đó, thống kê của trung tâm cho thấy, hầu hết người lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, chưa được đào tạo.


Chị Nguyễn Thị Lan (người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp) cho biết: "Tôi mới học hết phổ thông, làm ở công ty may, nhưng do lương thấp nên tôi nghỉ việc, tìm chỗ làm mới. Đến đăng ký thất nghiệp, nghe người của trung tâm tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tôi mới biết mình sẽ được hỗ trợ nếu tham gia học nghề. Tôi dự tính sẽ đăng ký học tin học văn phòng trong thời gian 3 tháng".


Lao động thất nghiệp được hỗ trợ chi phí khi tham gia học nghề, đây là điều giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm với mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người, họ không có thời gian đi học, một số khác cho rằng mức hỗ trợ như hiện nay còn thấp. Anh Trần Mạnh Hùng chia sẻ: "Tôi muốn học bằng lái xe ô tô, nhưng chỉ được hỗ trợ tối đa hơn 1 triệu đồng. Số tiền tôi phải nộp còn quá lớn, không đủ khả năng theo học".


Ông Võ Sơn Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ đánh giá: So với những năm đầu thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nay số người đăng ký học nghề tại Đồng Nai đã tăng lên. Sự chuyển biến này là do trung tâm đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm đến từng người lao động. Đặc biệt, trung tâm cũng đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm tập trung thay vì tư vấn theo nhu cầu như trước đây.


Hiện mỗi tháng trung tâm tiếp nhận trên dưới 3.000 lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có hơn 100 người đăng ký học nghề. Đây là con số thấp. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng lý do chính khiến người lao động chưa mấy mặn mà với việc học nghề là vì mức hỗ trợ thấp, có nhiều nghề người học phải bỏ thêm tiền.


Cũng theo ông Thu, từ ngày 1/12/2013, Quyết định 55 của Thủ tướng Chính phủ sẽ có hiệu lực, theo đó, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được điều chỉnh tăng. Đối với người tham gia các khóa học nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Đối với người tham gia các khóa học nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo từng khóa, tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.


Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nhằm đưa Quyết định 55 đến từng người lao động. Với mức hỗ trợ học nghề tăng, trung tâm dự tính thời gian tới, người lao động tại Đồng Nai sẽ tham gia học nghề nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp người lao động cải thiện năng suất lao động mà còn giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta.


“Nhà nước đã có những chính sách đúng đắn trong vấn đề chăm lo đời sống người lao động, tuy nhiên để chính sách đi vào cuộc sống, đến được với người dân rất cần có cách triển khai phù hợp”, ông Thu nhận định.


Công Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN