Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ đến vùng dân tộc thiểu số

Ngày 11/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phối hợp Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội 4 tỉnh trong Cụm (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Kết luận số 120 - KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020... nhằm phát huy quyền làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội.

Chính quyền các cấp đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp gắn với triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền”.

Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được triển khai tích cực, có nhiều chuyển biến và từng bước mang lại hiệu quả. Các cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhân dân chủ yếu về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, ở các lĩnh vực như: tranh chấp, lấn chiếm đất canh tác ở các nông, lâm trường cà phê, cao su; đền bù, giải phóng mặt bằng; phá rừng; quy hoạch; vấn đề dân tộc, tôn giáo... Qua đó, kịp thời xử lý những kiến nghị, đề xuất và bức xúc từ cơ sở, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34 được các địa phương trong Cụm thực hiện khá nền nếp. Qua đó, phát huy hiệu quả tích cực ở cộng đồng dân cư trên nhiều mặt đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Kết quả rõ nét nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, trị trấn là việc tổ chức công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021; vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; việc triển khai các chính sách an sinh xã hội...

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Việc triển khai “Năm dân vận chính quyền” được các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục quan tâm, đã đề ra nhiều giải pháp tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh theo phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, theo hướng tập trung đầu mối, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, tăng tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực trong công tác tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ trong cụm Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, kịp thời, chậm đổi mới.

Việc thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL - UBTVQH11 ở một số địa phương, cơ sở nội dung chưa thực chất. Công tác cải cách hành chính một số nơi hiệu quả không cao, còn có tình trạng cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều khó khăn...

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhấn mạnh: Để thực hiện tốt quy chế dân chủ, trong thời gian tới, các tỉnh trong Cụm cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ.

Đồng thời, các tỉnh trong Cụm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; trong đó chú trọng tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới và trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó, các tỉnh trong Cụm cần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân; đẩy mạnh triển khai các nội dung của “Năm dân vận của chính quyền” trong năm 2019 và những năm tiếp theo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân; nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Cùng với đó, các tỉnh thực hiện có hiệu quả cơ chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị với cán bộ, viên chức, người lao động và nhân dân để lắng nghe giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng... của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh yêu cầu các tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Anh Dũng - Tuấn Anh (TTXVN)
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Chiều 11/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị sơ kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN