Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào sản xuất

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tín dụng tại TP Hồ Chí Minh đạt gần 9%, trong đó có đến 76 - 80% trên tổng dư nợ tín dụng được đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Từ nay đến cuối năm, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này.

Ưu tiên dự án khuyến khích đầu tư

Đại diện UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua thành phố luôn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vay vốn ngân hàng, nhất là những DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo các dự án, lĩnh vực mà TP Hồ Chí Minh ưu tiên sẽ được sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất cho DN. Nhờ vậy, dòng chảy tín dụng tại TP Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu vào sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, tính đến nay, chương trình cho vay các dự án kích cầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có dư nợ hơn 1.548 tỷ đồng với 16 dự án; cho vay mua nhà ở đến cuối tháng 6 đạt khoảng 6.600 tỷ đồng với trên 10.000 khách hàng được cam kết cho vay, nâng tổng hạn mức lên đến 8.063 tỷ đồng. Chương trình cho vay vốn theo 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên cũng có mức tăng trưởng cao, đạt 154.246 tỷ đồng, tăng 7,94% so với cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 23.127 tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 30.953 tỷ đồng, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa đạt 93.417 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 6.491 tỷ đồng, dư nợ cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 257 tỷ đồng. 

Dòng vốn tín dụng chảy vào sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng.

Cùng với đó, cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết 55/2015 của Chính phủ về việc đầu tư vốn cho các dự án dài hạn đến cuối quý 2/2016 cũng đã lên đến 53.757 tỷ đồng. Chương trình cho vay bình ổn thị trường năm 2016-2017 ở TP Hồ Chí Minh cũng có 10 tổ chức tín dụng tham gia với mức cam kết cho vay là 14.900 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với chương trình này năm trước đó. Trong đó, dư nợ cho vay đến hết tháng 6/2016 đã đạt khoảng 726 tỷ đồng với 13 công ty vay vốn, tạo nguồn hàng cho thị trường. Ngoài ra, chương trình cho vay các DN trong khu chế xuất - khu công nghiệp cũng có dư nợ cho vay đạt khoảng 104.412 tỷ đồng với 2.800 khách hàng; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt khoảng 69.634 tỷ đồng, 34.778 tỷ đồng dư nợ cho vay trung, dài hạn.

Bên cạnh các chương trình ưu tiên lãi suất trên, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp vẫn được xem là điểm nhấn của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã hỗ trợ cho hơn 4.000 DN và hộ sản xuất kinh doanh gần 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi 7% cho kỳ hạn ngắn và 9% cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, so với cam kết hỗ trợ cho vay từ đầu năm 2016 là 250.000 tỷ đồng thì các ngân hàng mới thực hiện được 40%. Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân việc giải ngân vốn chậm là do năm nay chương trình này chủ yếu thực hiện theo các nhóm chuyên đề (như cho vay theo nhóm DN ngành công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp phát triển nông thôn, DN vừa và nhỏ…) chứ ít tổ chức các chương trình kết nối tại địa phương. Theo đó, từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ mới tổ chức hai đợt kết nối tại quận Thủ Đức và quận Gò Vấp cho các DN tại 6 quận, huyện trên địa bàn tham gia. 

Sẽ giữ ổn định lãi suất

NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trước việc nhiều DN vừa và nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn của chương trình nên từ nay đến cuối năm NHNN sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát DN có nhu cầu nhưng chưa được vay để tư vấn, đưa ra những giải pháp cho các DN này tiếp cận được nguồn vốn. Ngoài ra, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với các UBND quận, huyện, các sở ban ngành tập trung vào các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN với những hành động thiết thực như đối thoại trực tiếp, định kỳ và các hợp đồng cam kết cho vay vốn cụ thể giữa ngân hàng và DN trên địa bàn; rà soát cách thức triển khai chương trình, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc… kịp thời báo cáo, tham mưu với NHNN và chính quyền địa phương tháo gỡ, điều chỉnh để các chương trình hỗ trợ vốn thực sự phát huy hiệu quả. 

Đặc biệt, với các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, các DN tham gia mô hình liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM)  đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng.

Tuy nhiên, nhiều DN mong muốn lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giữ ổn định hoặc giảm lãi suất thêm nữa để các DN giảm gánh nặng chi phí trả lãi. Bởi thời gian gần đây, nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động từ 0,2%  - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn, khiến các DN e ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới. Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM trên địa bàn thành phố vẫn giữ nguyên mức ổn định và không đáng lo ngại. Bởi trong năm 2015, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,3 - 1% so với năm 2014 nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các DN, từ đó giúp các DN phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời kiểm soát được lạm phát, ổn định tiền tệ. Chính vì thế, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ đầu năm đến nay cũng không tác động đến lãi suất cho vay của ngân hàng. Mặt khác, việc điều chỉnh tăng lãi suất chủ yếu tập trung ở kỳ trung và dài hạn, ở kỳ ngắn hạn, lãi suất huy động thậm chí giảm chứ không tăng.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, mục tiêu của việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng hướng tới 3 vấn đề: Thứ nhất là tăng nguồn vốn huy động để hỗ trợ dư nợ tín dụng; thứ hai là khắc phục mất cân đối giữa lãi suất huy động và cho vay; thứ ba là lãi suất huy động USD chỉ còn 0% nên việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND sẽ góp phần tăng trưởng vốn nhanh hơn. Có thể thấy,  tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 6 đạt 1.658.000 tỉ đồng, tăng 5,8% so cuối năm 2015 và tăng 17,09% so cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi VND tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với ngoại tệ và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm hơn 86,31% tổng nguồn vốn huy động. 

Theo định hướng của NHNN, từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục cân bằng, ổn định giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, kể cả trung và dài hạn. Đồng thời, yêu cầu các NHTM hài hòa ba yếu tố: hài hòa giữa ngân hàng và khách hàng; đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng hợp lý và tiếp tục thực hiện an toàn trong hoạt động cho vay, không được phá vỡ các quy định của ngân hàng, đảm bảo các thanh khoản.
Hải Yên
Tích cực giải quyết nợ xấu
Tích cực giải quyết nợ xấu

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, để dòng vốn đi vào sản xuất đúng hướng cần giải quyết 2 yếu tố quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN