Đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất - Bài 2

Chúng tôi đến thăm nhà anh Bùi Văn Út, ở xóm Khú, xã Phượng Tiến, khi gia đình anh đang tập trung nguyên vật liệu để dựng nhà mới, thay cho ngôi nhà sàn tranh tre đã bị xuống cấp.


ĐỀ ÁN ĐÚNG, HIỆU QUẢ CAO

Dừng công việc, anh Út vui vẻ mời chúng tôi vào nhà uống nước. Bên tách trà nhạt, anh cho biết: Nhà anh có 4 người, trước đây do chưa có công trình thủy lợi, mấy sào lúa chỉ cấy được 1 vu/năm, nên thường bị thiếu ăn. Lúc đó, anh lại phải đi làm thuê. Ai thuê gì làm ấy, nhưng chủ yếu là phụ hồ, tiền công chỉ được 150.000 đồng/ngày. Nhưng công việc cũng rất bấp bênh, ngày làm, ngày nghỉ, nên không dành dụm được đồng nào.

Từ khi có cơ chế khoán trồng rừng, gia đình anh đã nhận 1ha để trồng luồng. Đến nay, diện tích luồng của anh đã cho thu hoạch. “Với giá 22.000 đồng/cây luồng loại 1, mỗi năm cũng thu về được mấy chục triệu đồng. Cộng với tiền tỉa măng để bán, gia đình tôi đã đủ chi tiêu hàng ngày”, anh Út giơ bàn tay lên tính. Có đất trồng rừng, anh không phải đi làm thuê nữa, tập trung vào chăn nuôi thêm gà, lợn và mấy sào lúa nước của gia đình, nhờ đó, cuộc sống cũng được cải thiện nhiều hơn so với trước đây.
 

Diện tích lúa nước nay đã cấy được 2 vụ/năm nhờ được đầu tư kênh mương thủy lợi.

Theo ông Đinh Văn Dực, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, 36 thôn, bản được hỗ trợ gồm 2.233 hộ dân, với 10.089 khẩu, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tới 92,2%, đều nằm ở địa bàn xa trung tâm các xã, địa hình hiểm trở, chia cắt, phức tạp, diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất rừng phòng hộ, rừng nghèo, chậm phát triển, không có tích lũy. Thu nhập và mức sống người dân thấp, chỉ đạt bình quân 4,1 triệu đồng/người/năm, so với bình quân chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo rất cao, trung bình 60,1%, hộ cận nghèo 84,64%, cá biệt các xóm có tỷ lệ hộ nghèo 100% như Thung Vòng, xã Do Nhân... Chính vì thế cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém, người dân chủ yếu đi lại bằng đường mòn, đường dân sinh có độ dốc lớn chỉ có thể đi xe máy vào mùa khô. Có 12/36 thôn đã có công trình điện, nhưng mới chỉ có 41% hộ dân được sử dụng điện an toàn. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi, trường học trạm xá chưa được đầu tư hoặc đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân.
 

Ngôi nhà sàn đã xuống cấp của anh Út sắp được thay thế bằng ngôi nhà mới khang trang hơn.

Sau gần 2 năm triển khai, dự án đã thực hiện đầu tư 7/40 công trình, chủ yếu là đường giao thông với mức đầu tư khoảng 12 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác cải thiện đáng kể cuộc sống người dân. Cùng với đó là hỗ trợ sản xuất giống, vốn, chuyển giao KHKT, năm 2014 triển khai được 29/36 xóm, năm 2015 thực hiện 29/36 xóm với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ đồng đã tạo được chuyển biến về sản xuất cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo nhiều xóm đã giảm khá, xóm Cây Rường, xã An Bình (Lạc Thủy) giảm từ 69% (năm 2012) xuống còn 30%; xóm Bát, Phú Cường (Tân Lạc) giảm từ 59% xuống còn 40%, xóm Vôi, Miền Đồi (Lạc Sơn) giảm từ 63% xuống còn 43%...

“Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong đề án, thời gian tới Hòa Bình tiếp tục huy động mọi nguồn lực; lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để phát huy hiệu quả tổng hợp, đồng bộ từ các nguồn vốn. Các huyện, thành phố ưu tiên phân bổ kinh phí để thực hiện đầu tư, hỗ trợ cho các thôn, bản khó khăn nhất từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng và khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống cho người dân; tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; sản xuất, cung ứng cây con giống có năng suất cao, chất lượng tốt, dần dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa; đồng thời nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, ông Đinh Văn Dực cho biết.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất - Bài 1
Đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất - Bài 1

Hòa Bình có 36 thôn, bản khó khăn nhất, thiếu thốn về hạ tầng, sản xuất nhỏ lẻ manh mún và phụ thuộc vào thiên nhiên; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, có thôn, bản lên đến trên 90%. Trước thực trạng này, tỉnh đã triển khai Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản để từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN