Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Yên Bái, Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã tạo thành lực đẩy quan trọng, giúp cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số chủ động sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng thêm thu nhập.
Vui mừng khi được vay vốn ưu đãi, ông Thạch đã đầu tư mua trâu. |
Theo đoàn cán bộ NHCSXH về cơ sở, chúng tôi đã được Giám đốc Nguyễn Thanh Hải giới thiệu những điển hình trong phong trào phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, thanh niên dân tộc... sử dụng hiệu quả đồng vốn vay của NHCSXH đầu tư để xóa nghèo, làm giàu ở miền núi.
Nhà có 5 khẩu, thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng ông Hồ Văn Thạch ở thôn 3, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên đã quần quật lao động nhưng cả năm chỉ thu hoạch chừng dăm bẩy tạ thóc, ít củ dong riềng, bán đi cũng chẳng ra tấm ra món, năm được mùa thì đủ ăn, khi mùa màng thất bát hay giá cả thấp lại phải ăn đong.
Năm 2009, được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo, ông bà đã đầu tư nuôi trâu sinh sản. Ba năm sau, ông Thạch bán một con nghé đã đủ tiền trả nợ ngân hàng. Số trâu còn lại trở thành tài sản tích lũy để thoát nghèo. Tháng 6/2013, gia đình ông được các hộ trong thôn bình xét vào diện hộ cận nghèo và được vay vốn theo chương trình hộ cận nghèo mới được Thủ tướng ban hành nhằm mục tiêu giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Với số tiền này, ông mua thêm 1 con trâu và cây giống, phân bón để trồng quế trên đồi. Nhà ông Thạch đến nay đã có 2 con trâu sinh sản, 2 con nghé và 3 ha quế xanh tốt sắp đến ngày thu hoạch. “Nhờ được vay thêm vốn mà kế hoạch làm ăn của gia đình tôi thực hiện suôn sẻ. Với thời hạn và lãi suất ưu tiên, ưu đãi của NHCSXH đủ để người nông dân nghèo như chúng tôi có điều kiện tích luỹ, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững”, ông Thạch phấn khởi nói.
Các hộ cận nghèo nhận vốn vay ưu đãi kịp thời vụ sản xuất ngay tại xã. |
Khác với hoàn cảnh ông Thạch, chị Lường Thị Lài ở tổ 18, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình là hộ đã thoát nghèo, nhưng lại không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, do vậy chị được vay 30 triệu đồng từ Chương trình tín dụng hộ cận nghèo ngay đợt đầu tiên do NHCSXH huyện triển khai cuối tháng 4/2013. Nhờ số tiền vay kịp thời, cùng với được hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn vay hợp lý, chị Lài đã nuôi 1 cặp bò lai sind. Chị Lài chia sẻ: “Nhờ có vốn chính sách làm đòn bẩy, 2 con bò của nhà tôi vừa mới đây đã đẻ được 2 chú bê. Vài tháng nữa, tôi sẽ bán bê đi để dành tiền nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà”.
Để có được những niềm vui từ các hộ thoát nghèo, năm 2013, NHCSXH chi nhánh tỉnh Yên Bái đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch của 10 chương trình tín dụng ưu đãi, nâng tổng dư nợ đến ngày 31/12/2013 lên gần 1.549 tỷ đồng, tăng 148 tỷ đồng so với năm 2012. Đặc biệt, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đạt 717 tỷ đồng, không chỉ chiếm 46% tổng dư nợ mà còn giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo 100% số hộ nằm trong danh sách có nhu cầu được giải quyết để tiếp cận nguồn vốn chính sách.
Cùng với đó, hơn 700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải thuộc Chương trình 30a của Chính phủ đã được hỗ trợ gần 4 tỷ đồng (bình quân 5 triệu đồng/hộ) để mua cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, hết năm 2013 đã có đến 1.974 hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái được sử dụng 50 tỷ đồng vốn chính sách (bình quân 25 triệu đồng/hộ) theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở hướng thoát nghèo bền vững.
Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, NHCSXH chi nhánh tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2014 dự kiến đạt hơn 1.760 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% và đảm bảo tất cả hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do ngân hàng cung cấp. Giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành kế hoạch là thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 2.534 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức tốt 180 điểm giao dịch tại 180 xã/phường trên toàn tỉnh nhằm tiếp tục thực hiện công tác tín dụng chính sách công khai, dân chủ, minh bạch và huy động sức mạnh, sự phối hợp của các cấp ngành, các tầng lớp dân cư để cùng chung tay quản lý, sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả.
Bài và ảnh: Tuấn Ngọc