Đằng sau chuyện khan hiếm nhu yếu phẩm tại Venezuela

Nền nông nghiệp và chăn nuôi từng đồng hành với Venezuela kể từ khi quốc gia này ra đời cách đây trên 200 năm nhưng đã dần suy tàn cùng với sự hưng thịnh của ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ. Đây là một trong những lý do dẫn tới khan hiếm lương thực và các nhu yếu phẩm khác trong thời gian qua tại quốc gia Nam Mỹ này. Góp phần vào tình trạng trên là “cuộc chiến kinh tế” do phe đối lập phát động nhằm gây bất ổn cho chính phủ.


Sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và truyền thống khai thác nguồn “vàng đen” từ cách đây một thế kỷ, thế nhưng có những lúc Venezuela lâm vào tình trạng khan hiếm trầm trọng những mặt hàng thiết yếu như bột ngô – nguyên liệu để chế biến món bánh arepa truyền thống được tiêu thụ rộng rãi hàng ngày-, bơ, dầu ăn, đường, cà phê, thuốc tân dược, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thậm chí cả giấy vệ sinh.


Những giá hàng trống tại một siêu thị ở thủ đô Caracas.


Cảnh thiếu thốn càng trở nên phổ biến vào những thời điểm nhạy cảm về chính trị, đặc biệt là vào dịp bầu cử. Cố tổng thống Hugo Chávez đã từng nhiều lần tố cáo phe đối lập tìm cách gây bất ổn bằng cách tạo ra tình trạng khan hiếm những mặt hàng không thể thiếu, khiến người dân bất bình đối với chính phủ, với hi vọng thu hút được phiếu bầu của họ.


Hiện tượng khan hiếm hàng trong những ngày này không phải là một ngoại lệ. Nó xuất hiện khi ông Chávez đi Cuba phẫu thuật ung thư cuối năm ngoái và trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ông Nicolás Maduro nhậm chức với chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 14/4 vừa qua sau khi ông Chávez qua đời. Cùng với việc tổ chức các cuộc biểu tình đầy bạo lực phản đối kết quả bầu cử với lý do “gian lận”, lực lượng cánh hữu do cựu ứng viên tổng thống thất cử Henrique Capriles cầm đầu tìm cách lật đổ chính phủ mới được bầu thông qua cuộc chiến kinh tế hết sức nham hiểm này.


Trong nỗ lực tiến hành các hoạt động phá hoại, phe đối lập Venezuela nhận được sự ủng hộ của lực lượng cánh hữu tại một số nước, trong đó có nước láng giềng Colombia. Mới đây, chính phủ Venezuela cho biết có bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống Colombia Álvaro Urbe khuyến cáo các doanh nghiệp nước này không xuất hàng sang Venezuela nhằm gây thêm khó khăn cho Caracas.


Có một thực tế là lương thực và các nhu yếu phẩm khác ở Venezuela được chính phủ bán với giá bao cấp, nên nhiều tư thương đã lợi dụng chính sách này để đầu cơ, tích trữ hàng hóa rồi bán sang nước láng giềng Colombia kiếm lời, góp phần gây ra tình trạng khan hiếm.


Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp tư nhân giảm sản xuất với lý do chính phủ kiểm soát giá cả, khiến công việc kinh doanh thua lỗ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, chính sách kiểm soát tiền tệ của chính phủ khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu không có ngoại tệ để nhập hàng, dẫn tới tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên thị trường.


Một trong những doanh nghiệp bị tố cáo vi phạm quy định kinh doanh, gây ra cảnh thiếu thốn hàng hóa trên thị trường là tập đoàn Polar. Đây là doanh nghiệp tư nhân đứng đầu trong chế biến và phân phối lương thực, thực phẩm và đồ uống tại Venezuela. Trước đây ông Chávez và mới đây Tổng thống Nicolás Maduro đã tố cáo Polar giảm sản lượng và đầu cơ tăng giá, thậm chí dọa sẽ quốc hữu hóa doanh nghiệp này nếu phát hiện bằng chứng vi phạm quy định kinh doanh. Trong số các sản phẩm của Polar có 4 mặt hàng được Nhà nước quản lý giá là bột ngô, gạo, dầu ăn và bột mỳ.


Trước tình trạng khan hiếm trên, chính phủ Venezuela đã tăng cường nhập khẩu. Trong chuyến công du quốc tế chính thức đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Maduro đã thăm Uruguay, Argentina và Brazil, qua đó đã ký các thỏa thuận nhập khẩn cấp khoảng 760.000 tấn lương thực và thực phẩm, gồm dầu ăn, sữa bột, thịt bò, cá, đường, bột đậu tương..., trị giá 600 triệu USD. Đây là một phần trong kế hoạch của chính phủ nâng dự trữ lương thực chiến lược lên 2,3 triệu tấn, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong 3 tháng, để đối phó có hiệu quả với tình trạng khan hiếm.


Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp: chìa khóa giải quyết tình trạng khan hiếm


Sau khi dầu mỏ được phát hiện tại Venezuêla, ngành trồng trọt và chăn nuôi đã bị bỏ bẵng trong một thời gian dài, khiến quốc gia Nam Mỹ này phải nhập rất nhiều lương thực và thực phẩm mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước.


Nhận thức được sự cần thiết khôi phục nền nông nghiệp, sau khi lên cầm quyền, ông Chávez đã phát động các chương trình được biết đến với cái tên như “Sứ mệnh Zamora” (tận dụng đất nông nghiệp chưa được khai thác, thậm chí thông qua quốc hữu hóa), “Sứ mệnh trở lại đồng ruộng” (thúc đẩy trồng trọt) và “Sứ mệnh lớn về nông nghiệp” (cung cấp cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ yếu tố “đầu vào” để phát triển nông nghiệp). Để phát triển nông nghiệp, Venezuela đã ký các thỏa thuận hợp tác với các nước có truyền thống trong lĩnh vực này như Argentina, Brazil, Belarus...


Theo số liệu chính thức, năm 1999, khi ông Chávez lên cầm quyền, chỉ 51% lương thực và thực phẩm được tiêu thụ tại Venezuela do trong nước sản xuất, nhưng tới năm 2012 tỷ lệ trên đã vượt 70%. Venezuela đã tăng mạnh sản lượng gạo (tăng 58%), bột ngô (47%), thịt bò (115%), thịt gà (151%), sữa bột (85%), trứng gà (49%), dầu ăn (32%), rau (75%, trái cây (89%).


Thế nhưng, có một thực tế là cùng với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, đời sống của người dân Venezuela được cải thiện, thu nhập của họ không ngừng gia tăng, vì vậy tiêu thụ cũng tăng mạnh. Con số thống kê cho thấy tiêu thụ lương thực và thực phẩm tại Venezuela đã tăng trên 80% trong 13 năm đầu cầm quyền của cố Tổng thống Chávez, từ 13,8 triệu tấn năm 1999 lên gần 25 triệu tấn năm 2011.


Hiện nay 95% người dân Venezuela ăn tối thiểu 3 bữa mỗi ngày, 98% ăn thịt hàng tuần và 99% trẻ em và người cao tuổi uống sữa hàng ngày. Venezuela đứng thứ 6 tại Mỹ Latinh và Caribe về tiêu thụ protein có nguồn gốc động vật. Trước đây, tiêu thụ thịt gà bình quân đầu người chỉ đạt 11 kg/năm, nhưng giờ đây đã lên 43 kg.


Như vậy, với nhu cầu tăng cao hơn nhiều so với tốc độ gia tăng sản xuất, Venezuela tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và thực phẩm.


Tuy nhiên, chính phủ Venezuela dưới thời cố Tổng thống Chávez và Tổng thống Maduro hiện nay đề ra mục tiêu và đã bắt tay thực hiện các biện pháp nhằm tự cung tự cấp lương thực và thực phẩm, tiến tới trở thành một nước xuất khẩu các mặt hàng này. Nếu vấn đề này được giải quyết, nó sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, vì giá lương thực tăng đang là nguyên nhân hàng đầu đẩy chỉ số giá tiêu dùng tại Venezuela lên cao vào bậc nhất tại Mỹ Latinh. 


Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)

Quốc hội Venezuela 'duyệt' nhập khẩu giấy vệ sinh và tã trẻ em
Quốc hội Venezuela 'duyệt' nhập khẩu giấy vệ sinh và tã trẻ em

Quốc hội Venezuela đã thông qua quyết định chi 79 triệu USD để nhập khẩu giấy vệ sinh và các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác để bù đắp cho sự thiếu hụt của những sản phẩm này tại đất nước dầu mỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN