Ngày 18/3, lãnh đạo Đảng Liên đoàn phục quốc Do Thái (ZU) cánh tả của Israel Isaac Herzog đã bác bỏ khả năng thành lập chính phủ liên minh với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, 1 ngày sau khi ZU thất bại trước Đảng Likud cánh hữu của ông Netanyahu trong cuộc bầu cử quốc hội khóa 20 của Israel.
Thủ tướng Netanyahu vẫy chào những người ủng hộ sau khi kết quả sơ bộ được công bố. Ảnh: AFP/TTXVN phát |
Phát biểu trong cuộc họp của ZU tại Tel Aviv, ông Herzog khẳng định: "Ở thế đối lập là phương án thực tế duy nhất trước mắt chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo một lực lượng đông đảo và mạnh mẽ mong muốn xây dựng một nhà nước Do Thái dân chủ, an toàn và công bằng. Cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc".
Trước đó ông Netanyahu, người nhiều khả năng sẽ giành được nhiệm kỳ thủ tướng thứ 3 liên tiếp và thứ 4 trong sự nghiệp chính trị của mình, đã thảo luận với lãnh đạo các đảng cánh hữu và tôn giáo mà ông có ý định hợp tác để thành lập liên minh cầm quyền. Theo hệ thống bầu cử của Israel, thủ tướng không phải là lãnh đạo đảng giành được nhiều ghế nhất mà là người có thể thành lập một liên minh nắm thế đa số (tối thiếu 61 ghế) trong quốc hội 120 ghế của Israel.
Cùng ngày, Mỹ đã tỏ ra lạnh nhạt trước chiến thắng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel, bất chấp việc Nhà Trắng thông báo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi điện chúc mừng ông Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gửi điện chúc mừng trong vài ngày tới.
Phát biểu với báo giới trên chuyên cơ Không Lực Một, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest dẫn tuyên bố của ông Kerry nêu rõ: “Sự hợp tác an ninh chưa từng có giữa Mỹ và Israel, bao gồm cả mối quan hệ quân sự và tình báo bền chặt, sẽ vẫn được duy trì”. Tuy nhiên, ông Earnest lưu ý chính quyền Mỹ sẽ đánh giá lại cách tiếp cận với tiến trình hòa bình Trung Đông sau khi Thủ tướng Netanyahu gần đây tuyên bố sẽ không có nhà nước Palestine trong nhiệm kỳ mới của ông, đồng thời khẳng định Washington vẫn tin rằng giải pháp 2 nhà nước là cách tốt nhất để đạt được hòa bình ở khu vực đầy bất ổn này.
Cũng theo ông Earnest, Nhà Trắng quan ngại sâu sắc trước việc ông Netanyahu sử dụng "những ngôn từ gây chia rẽ" trong chiến dịch tranh cử ở Israel nhằm gạt ra ngoài lề những công dân gốc Arập, nhấn mạnh “hành động này phá hoại các giá trị và lý tưởng dân chủ vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền dân chủ của chúng ta và là một thành tố quan trọng trong sợi dây liên kết Mỹ với Israel”.
Với bình luận trên, Nhà Trắng đã phát tín hiệu rằng những bất đồng sâu sắc giữa họ với Thủ tướng Netanyahu sẽ vẫn còn dai dẳng trong những vấn đề từ gìn giữ hòa bình ở Trung Đông cho tới hồ sơ hạt nhân của Iran.
TN