Dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thế kỷ này và có thể đạt mức 11 tỷ người vào năm 2100. Đây là kết quả rút ra từ công trình nghiên cứu của chuyên gia nhân khẩu học Liên hợp quốc Patrick Gerland và nhà phân tích xã hội học trường Đại học Washington Adrian Raftery.Nghiên cứu được thực hiện dựa trên các công cụ phân tích hiện đại và các cơ sở dữ liệu về dân số như tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong và tình trạng di cư từ các quốc gia. Theo nghiên cứu, tới năm 2100, dân số thế giới sẽ nhiều hơn khoảng 2 tỷ người so với mức dự báo của các nghiên cứu trước đó và gần sát với mức dự báo 10,9 tỷ người được Liên hợp quốc đưa ra năm 2013.
Hầu hết tình trạng tăng dân số diễn ra ở khu vực châu Phi với dân số tại đây dự kiến sẽ tăng từ 1 tỷ hiện nay lên 4 tỷ vào cuối thế kỷ. Nguyên nhân chính do các nước đông dân ở khu vực Nam Sahara có tỷ lệ sinh cao.
Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại, với tốc độ tăng dân số chóng mặt như vậy, Trái đất sẽ trở nên quá tải, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, lương thực, thực phẩm bị khan hiếm trong khi dịch bệnh gia tăng. Để đảm bảo lợi ích lâu dài, châu Phi cần thực hiện chính sách giảm tỷ lệ sinh thông qua việc tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp tránh thai và tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ.
Nghiên cứu cho thấy dân số ở các khu vực khác trên thế giới sẽ có ít biến động. Cụ thể, dân số châu Á tăng từ 4,4 tỷ người hiện nay lên 5 tỷ người vào năm 2050 trước khi có chiều hướng giảm xuống. Dân số ở Bắc Mỹ, châu Âu, Mỹ Latin và Caribe duy trì ở mức dưới 1 tỷ.
TTXVN/Tin tức