Tỉnh Đắk Lắk có chủ trương chuyển diện tích cà phê hết chu kỳ kinh doanh, không chủ động được nguồn nước và diện tích điều, vườn tạp kém hiệu quả kinh tế sang trồng ca cao. Tỉnh phấn đấu trồng thêm 4.000 ha để nâng tổng diện tích ca cao trên địa bàn lên trên 6.000 ha vào năm 2015, trong đó có 2.000 ha ca cao đưa vào kinh doanh cho thu hoạch.
Diện tích ca cao trồng mới này tập trung ở các công ty cà phê (Tổng Công ty cà phê Việt Nam), các công ty lâm nghiệp, công ty cà phê thuộc tỉnh nằm trên địa bàn các huyện Ma Đ’Rắk, Ea Kar, Lắk, Krông Bông, Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Pắk, Krông Ana. Tỉnh cũng hình thành các vùng sản xuất ca cao tập trung liền lô, liền vùng (do chuyển từ các lô, vùng cà phê sang) thuận lợi trong việc canh tác, quản lý, bảo vệ.
Trích ngân sách 10 tỷ đồng tỉnh hỗ trợ một phần cây giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển cây ca cao. Đối với các doanh nghiệp cà phê, tỉnh hỗ trợ 25% chi phí mua cây giống ca cao ghép để trồng mới hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không hiệu quả sang trồng mới ca cao. Đối với các hộ gia đình đồng bào các dân tộc, tỉnh hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống ca cao ghép hoặc chuyển đổi từ cây trồng khác không hiệu quả sang trồng mới cây ca cao. Tỉnh cũng hỗ trợ 30% lãi suất ngân hàng đối với các hộ gia đình vay vốn để trồng mới cây ca cao, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 3 năm kể từ khi bắt đầu trồng mới.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 2.093 ha ca cao, trong đó có 800 ha đã đưa vào kinh doanh. Niên vụ này năng suất đạt bình quân 14,3 tạ/ha, với sản lượng trên 1.144 tấn hạt khô.
Quang Huy