Các em học sinh trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Bằng cách tổ chức linh hoạt chương trình học, khéo léo tổ chức các hoạt động ngoại khóa... một số trường được thí điểm về cách lồng ghép phòng chống HIV/AIDS trong chương trình học đã giúp học sinh, sinh viên trang bị được vốn kiến thức cơ bản về HIV/AIDS.
Chơi mà học
Học sinh trường THPT Lê Lợi (thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) từ năm 2008 đã được tiếp cận những kiến thức về phòng chống HIV/AIDS qua nhiều môn học xã hội với các hình thức khác nhau.
Ông Nguyễn Đăng Hậu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã tổ chức dạy lồng ghép, tích hợp kiến thức phòng chống HIV/AIDS vào các môn Văn, Địa, Giáo dục công dân, Sinh học trong giờ học chính khóa. Đưa nội dung phòng chống HIV/AIDS vào các giờ chào cờ, đố vui để học, sinh hoạt lớp, sinh hoạt câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội... Nhờ đó nhận thức của cả học sinh và cán bộ, giáo viên về HIV/AIDS từng bước được nâng lên.
Bên cạnh đó trường dành một phần kinh phí mua sắm, sưu tầm tư liệu, tờ rơi, tranh ảnh, xây dựng góc tư liệu về kiến thức phòng chống HIV/AIDS trong thư viện của trường. Sở GD - ĐT Quảng Trị phối hợp với Trung tâm nghiên cứu sức khỏe và phát triển cộng đồng CaFacom triển khai dự án "Giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV cho học sinh trung học ở Quảng Trị". Hội thi tìm hiểu về phòng chống HIV/AIDS cho học sinh cả ba khối: 10, 11, 12. Đây là cuộc thi có mục đích khuyến khích tính sáng tạo, sự năng động của học sinh trung học về giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV thông qua việc đề xuất ý tưởng giữa học sinh 16 trường THCS và THPT ở Quảng Ninh và Quảng Trị.
Được mạnh dạn đưa ra ý tưởng, học sinh trường THPT Lê Lợi đã đứng ra thành lập câu lạc bộ “5 ngón tay”. Câu lạc bộ được thành lập từ ý tưởng của một học sinh về việc thành lập một câu lạc bộ tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS trong trường học. Đến nay, câu lạc bộ “5 ngón tay” vẫn duy trì đều đặn, góp phần đáng kể vào phong trào chung của nhà trường.
Trường THPT Lê Lợi là một trong hàng trăm trường trên toàn quốc đang thí điểm và thực hiện có hiệu quả định hướng của ngành giáo dục trong việc lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào chương trình học. Chủ trương của việc lồng ghép này là hãy dạy cho học sinh những gì các em cần. Nhiều cuộc đối thoại với quy mô nhỏ được tổ chức tại các trường học. Trong đó học sinh được tiếp cận với tình huống do các chuyên gia nêu và chính các em sẽ đi tìm lời giải. Những cuộc đối thoại, hình thức câu lạc bộ, tham gia văn nghệ, đóng kịch sẽ giúp cho học sinh... tiếp cận với kiến thức phòng chống HIV/AIDS một cách hiệu quả và thiết thực.
Biên soạn giáo trình phù hợp
Không dừng lại ở những tập tài liệu khô khan, ngành giáo dục đang có những nỗ lực nhằm truyền tải nội dung lồng ghép HIV/AIDS vào các hoạt động trong trường học một cách thiết thực. Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD – ĐT, hiện nay với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin, giáo dục truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Ngành luôn coi đây là nội dung quan trọng trong nhà trường nhằm chăm sóc, bảo vệ và giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức ngành giáo dục.
Trong các trường, nội dung này được lồng ghép giờ học nội khóa, cũng như các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa. Nội dung này cũng được đưa vào các hoạt động tương tự, trong chương trình đào tạo sinh viên của các trường sư phạm. Nội dung về phòng chống HIV/AIDS được tích hợp vào các môn học có liên quan như Sinh học, Giáo dục công dân, Địa lý, Ngữ văn... nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản và HIV/AIDS.
Việc lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào chương trình học đã được Bộ GD – ĐT chỉ đạo thí điểm ở nhiều tỉnh, thành. Một số tỉnh, thành đã thực hiện tốt như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh... Để có thể triển khai đồng bộ trong những năm học tới, bắt đầu từ Chương trình hành động về giáo dục sức khỏe sinh sản và dự phòng HIV cho học sinh trung học (2007 – 2010), Bộ GD – ĐT đang lấy ý kiến để xây dựng kế hoạch hành động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 – 2015. Đây có thể xem như kế hoạch toàn diện đầu tiên trong lĩnh vực này của ngành giáo dục. Dự kiến sẽ có sự tham gia của 100% tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp góp phần hỗ trợ và củng cố các kiến thức đã học được trong chương trình nội khóa. Với sinh viên các trường sư phạm, chương trình giáo dục dân số, môi trường, ma túy và HIV/AIDS có tác dụng trang bị các kiến thức và kỹ năng về giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS cho các giáo viên tương lai, giúp họ thực hiện tốt các bài giảng về nội dung này trong trường phổ thông.
Theo báo cáo của Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD – ĐT đang xây dựng kế hoạch hành động về phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 – 2015 được xây dựng trên khung lập kế hoạch trước đây trong Chương trình hành động về giáo dục sức khỏe sinh sản và dự phòng HIV cho học sinh trung học (2007 - 2010). Trong đó, vấn đề giáo dục dự phòng HIV trong hệ thống giáo dục chính quy và không chính quy sẽ bao gồm việc xây dựng chương trình giảng dạy HIV cho hệ trung học trong các môn học cụ thể (Sinh học, Giáo dục công dân, Ngữ Văn); lồng ghép giáo dục dự phòng HIV vào các hoạt động của cùng chương trình giảng dạy (trung học); định hướng giáo dục dự phòng HIV cho tất cả cha mẹ học sinh (trung học); đào tạo kỹ năng giáo dục dự phòng HIV cho giáo viên trung học và cho tất cả các hiệu trưởng; tăng cường giáo dục HIV trong các trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ông Ngũ Duy Anh cũng cho biết, Bộ GD – ĐT đã biên soạn tài liệu “10 sự thật về trẻ em và HIV/AIDS”, triển khai tới tất cả các trường học; đưa nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính và phòng chống HIV/AIDS vào chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020; triển khai thực nghiệm chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS cho học sinh trong các trường THCS, THPT...
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Quang Quý: 8 nội dung chính lồng ghép phòng chống HIV/AIDS
Định hướng của ngành giáo dục trong công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 - 2015 nhấn mạnh vào 8 nội dung chủ yếu. Đó là, tăng cường hoạt động và nâng cao năng lực của hệ thống các ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm từ trung ương đến các cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng dạy và học nội khóa, ngoại khóa về phòng chống HIV/AIDS, về giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông giáo dục phòng chống HIV/AIDS; chú trọng phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS; đảm bảo các dịch vụ y tế trong các cơ sở giáo dục phải an toàn và thân thiện đối với HSSV; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các bộ, ngành, các cấp có liên quan trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện giáo dục phòng chống HIV/AIDS; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục phòng chống HIV/AIDS.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Ngành giáo dục đóng vai trò chính
Theo Dự thảo chương trình trợ giúp trẻ em bị nhiễm HIV và có nguy cơ cao bị nhiễm HIV giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020, Bộ GD - ĐT có trách nhiệm triển khai thực hiện đề án Tiếp cận giáo dục không rào cản cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; cung cấp giáo dục có chất lượng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; chống phân biệt kỳ thị và phân biệt đối xử trong tất cả các bậc học của hệ thống giáo dục, bao gồm cả cha mẹ và học sinh; thu thập phân tích và báo cáo số liệu đáng tin cậy và đúng hạn về đáp ứng nhu cầu cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong tất cả các bậc học của hệ thống giáo dục; tăng cường năng lực cho giáo viên về quản lý trường hợp đối với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng dự phòng HIV, sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản; giảm thái độ kỳ thị và hành vi phân biệt đối xử trong học sinh, sinh viên và cán bộ nhân viên của ngành giáo dục. Vì vậy ngành giáo dục sẽ đóng một vai trò chính trong việc tuyên truyền và dạy về phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên.
|
Lê Vân thực hiện