Cứu sống bé gái bị rắn lục cắn

Ngày 28/5, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, vừa cứu sống một bệnh nhi 9 tuổi bị rắn độc cắn gây rối loạn đông máu. Bệnh nhi là bé gái tên là N.P.T.H, 9 tuổi, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Trước đó, bé H được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng bị rắn độc cắn ở gót chân phải. Sau khi nhập viện, các bác sĩ phát hiện vết thương rắn cắn vùng gót chân phải chảy máu, sưng nề, đau nhức, lan lên cẳng chân và đùi phải.

Lúc này, bé H than mệt, lừ đừ. Tiến hành xét nghiệm chức năng đông máu cho thấy bé H bị rối loạn đông máu nặng.

Rắn lục. Ảnh minh họa.


Qua thăm khám, hỏi bệnh và hội ý, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã xác định được vết thương vùng gót chân phải của bệnh nhi H chính là do rắn lục cắn. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ quyết định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục cùng với điều trị hỗ trợ khác cho bệnh nhân như: thở ôxy, kháng sinh, dịch truyền.

Qua điều trị, kết quả tri giác của bệnh nhân H đã khá hơn, bệnh nhi tỉnh táo, tình trạng rối loạn đông máu cải thiện, vết thương rắn cắn ngưng chảy máu. Hiện bé H đã tự ăn uống được và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo người nhà bé H, trước đó, sau khi ăn cơm tối xong, bé H qua nhà ngoại chơi. Lúc này trời đã tối và trên đường đi bé H bất ngờ bị rắn cắn ở gót chân phải.

Qua trường hợp của bệnh nhi H, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ lưu ý trong dịp hè, các phụ huynh ở vùng quê hoặc đi chơi đến vùng quê, cần biết cách phòng ngừa cho con em mình không bị rắn cắn bằng cách: Không cho trẻ leo trèo cây vì dễ bị tai nạn do té hoặc bị rắn lục núp trong các tầng lá tấn công. Khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày.

Đặc biệt, khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách như: Cho nạn nhân nằm yên, đặt bệnh nhân sao cho nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước; phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo những việc nên tránh khi sơ cứu bệnh nhân bị rắn cắn như : Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do không hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc…


Thanh Sang
Bị rắn cắn chết khi đang ngủ
Bị rắn cắn chết khi đang ngủ

Ngày 18/11, Ban Giám hiệu Trường THCS Núi Cấm (huyện Tịnh Biên - An Giang) cho biết cách đây 2 ngày, một học sinh của trường đã tử vong sau khi bị rắn độc cắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN