Cuộc “lột xác” của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Tiến trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) giai đoạn 2011 - 2015 đã được ví như cuộc “lột xác” cả về số lượng lẫn chất lượng. Khả năng xử lý, kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng cũng được đánh giá tốt hơn dù còn không ít trở ngại phía trước.

Duy trì ổn định tổ chức tín dụng

Đối với tái cơ cấu ngân hàng, việc sáp nhập, hợp nhất để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là rất quan trọng. Giai đoạn 2012 - 2013 có 8 ngân hàng yếu kém (SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, Navibank, TrustBank và Western Bank) đã từng bước được cơ cấu lại thông qua việc sáp nhập, hợp nhất hoặc tự tái cơ cấu bằng chính nguồn lực của ngân hàng và cổ đông hiện hữu. Năm 2015, tiếp tục có thêm những thương vụ hợp nhất giữa ngân hàng nhỏ, yếu kém vào ngân hàng lớn nữa trên cơ sở tự nguyện và đúng luật, điển hình là sáp nhập giữa BIDV - MHB, MSB - MDB hay VietinBank - PGBank.

Giao dịch tại Hội sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Trần Việt – TTXVN

TS Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng: Quá trình tái cơ cấu đã giúp đẩy lùi được nguy cơ khủng hoảng thanh khoản ở một số ngân hàng yếu kém cũng như ngăn chặn dấu hiệu đổ vỡ hệ thống. Từ năm 2011, các ngân hàng yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kịp thời nhận diện, phân loại để triển khai các biện pháp kiểm soát, giám sát đặc biệt; đồng thời xây dựng phương án tái cơ cấu để duy trì ổn định hệ thống. TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính (UBGSTC) Quốc gia cũng khẳng định, thông qua các giải pháp sáp nhập, mua lại (M&A) ngân hàng yếu kém, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã vượt qua được giai đoạn “nóng” và nguy hiểm nhất.

“Quá trình xử lý nợ xấu không thể tách rời tiến trình cơ cấu lại hệ thống các NHTM. Ngoài việc tăng cường thanh tra giám sát hệ thống các TCTD, nhất là việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì cần kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo và cho vay doanh nghiệp “sân sau” của các TCTD. Nợ xấu có thể được xử lý dứt điểm hay không còn phụ thuộc vào sự phối kết hợp giữa xử lý nợ xấu với kết quả cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là xử lý các nghĩa vụ nợ các tập đoàn và tổng công ty nhà nước trước, trong và sau quá trình đổi mới, sắp xếp lại cũng như sự phục hồi của thị trường bất động sản, chứng khoán”.

TS Vũ Đình Ánh

Quá trình tái cơ cấu còn giúp giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản, một trong những nguyên nhân chính có thể gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng. “Từ trạng thái thiếu thanh khoản, các ngân hàng phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất rất cao trên thị trường liên ngân hàng (có thời điểm lãi suất lên tới 15 - 20%/năm vào cuối năm 2011) thì nay, hiện tượng này đã được khắc phục gần như hoàn toàn. Gần 1 năm qua, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng luôn được duy trì ở mức thấp, ổn định (dưới 5%/năm, kỳ hạn qua đêm); tỉ lệ cho vay trên huy động của hệ thống các TCTD từ mức rất cao lên tới trên 100% cuối năm 2011 cũng đã được kéo xuống mức ổn định hiện khoảng 85%”, TS Phước nói.

TS Vũ Đình Ánh cũng nhận định, cùng với quá trình tái cơ cấu, hệ thống các TCTD nói chung, các NHTM nói riêng đã được lành mạnh hóa cơ bản với việc tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường tính thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, mỗi NHTM, mỗi TCTD đều tự cơ cấu lại từ nguồn vốn chủ sở hữu, định hướng kinh doanh, phát triển hệ thống đến bộ máy quản lý, đội ngũ nhân viên và quản trị ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng lợi nhuận...

Đại diện UBGSTC Quốc gia nhận định: Vấn đề thanh khoản được xử lý, hệ thống TCTD được duy trì an toàn đã tạo tiền đề cho việc thực thi chính sách tiền tệ đạt hiệu quả cao. Chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ do đó cũng đã dần đi đúng quỹ đạo. Mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm, hiện xuống mức thấp 8 - 10%/năm (cuối năm 2011 là khoảng 20%/năm) đã góp phần kéo lạm phát xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây (từ mức trên 18% trong năm 2011 xuống mức khoảng 2% trong 2 năm 2014 và 2015). Mặt khác, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD cũng đã giúp cho dòng vốn đi vào nền kinh tế được phân bổ hiệu quả hơn, đi vào các mục đích sản xuất, kinh doanh.

Cố gắng xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn là những nhiệm vụ trọng tâm mà NHNN chỉ đạo các NHTM trong quá trình tái cơ cấu.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cho biết, tính từ ngày 1/1/2015 - 18/10/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) để mua nợ xấu của TCTD được 13.065 khoản nợ tương ứng với 91.963 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 82.681 tỷ đồng của 39 TCTD. Lũy kế từ năm 2013 đến 30/9/2015, VAMC đã phát hành 191.333 tỷ đồng giá trị TPĐB mua nợ xấu với giá trị dư nợ gốc 225.518 tỷ đồng. Cùng với việc mua nợ xấu bằng TPĐB, từ đầu năm đến 16/10/2015, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt 10.694 tỷ đồng, số lũy kế từ năm 2013 đến hiện tại là 15.669 tỷ đồng.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại để xử lý TCTD yếu kém; đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các NHTM Nhà nước đóng vai trò là lực lượng chủ đạo, chủ lực bảo đảm sự ổn định trên thị trường tiền tệ và an toàn của hệ thống các TCTD; triển khai cổ phần hóa các NHTM nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại một số NHTM cổ phần; thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, trong đó nghiên cứu hoàn thiện mô hình cũng như tăng cường nguồn lực cho VAMC.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy bán giám sát Tài chính Quốc hội cũng cho hay, sau 3 năm xử lý, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 3% (tháng 8/2015). Tổng số nợ xấu hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý từ năm 2012 - 2015 là trên 400 nghìn tỉ đồng. Trong đó 45% xử lý qua VAMC, 28% xử lý bằng nguồn khoản dự phòng rủi ro, 27% qua hình thức khác. Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động VAMC mới thu hồi được 8.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi đã mua lại 45% nợ xấu của toàn hệ thống.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, so với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân trong quá trình triển khai xử lý gặp một số bất cập như: Thứ nhất, VAMC không thể tiến hành cơ cấu nợ cho khách hàng khi TCTD chưa thống nhất. Thứ hai, trong thu giữ tài sản: chủ tài sản không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, khách hàng đã đi khỏi địa phương... thậm chí sau khi thực hiện thu giữ tài sản, khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC. Thứ ba, việc phát mại tài sản phải thông qua đấu giá mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp...

Ông Hùng cho biết, những khó khăn vướng mắc về pháp lý để xử lý nợ xấu đó là vai trò của cơ quan chức năng trong thu giữ tài sản. Thủ tục tố tụng và thi hành án cũng gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, hệ thống quy định pháp luật để vận hành thị trường chưa đầy đủ. Đó là quy định về quyền và trách nhiệm của người mua nợ, người bán nợ, xử lý nợ. Việc định giá khoản nợ đến nay chưa có quy định cụ thể, cơ sở xác định giá trị của khoản nợ rất phức tạp. Việc đấu giá một TSBĐ phải thực hiện trong 3 - 5 tháng mới có thể thành công.

TS Trương Văn Phước cũng chỉ ra một số bất cập, tồn tại như: hiện nay thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa có cơ chế định giá nhanh; chưa hình thành được thị trường mua bán nợ thứ cấp, do đó chưa tận dụng được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt thủ tục xử lý tài sản thế chấp còn nhiều phức tạp, qua nhiều khâu xử lý kéo dài. Do đó theo ông cần hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý nợ xấu: tài sản đảm bảo, cơ chế cấn trừ nợ, xiết nợ, thủ tục thi hành án, cơ chế định giá nhanh...

Để xử lý nợ xấu hiệu quả, TS Phước cho rằng: Cần có các chính sách tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững nhằm giúp hệ thống TCTD có khả năng sinh lời cao hơn; chú trọng các chính sách tạo cầu cho thị trường bất động sản, từ đó tạo tính thanh khoản cao hơn cho việc xử lý các tài sản đảm bảo; hình thành thị trường mua bán nợ. Trong thực tế, các tài sản đảm bảo khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý thường bị loại trừ trong việc đánh giá giá trị tài sản, gây áp lực tổn thất cho hoạt động của ngân hàng. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để giúp cân đối tài sản đảm bảo với giá trị nợ vay.
Minh Phương
Tái cấu trúc ngân hàng đạt kết quả tốt
Tái cấu trúc ngân hàng đạt kết quả tốt

Cuối năm 2015, Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Đề án 254) sẽ kết thúc. Theo đánh giá của các chuyên gia, đề án này cơ bản đã hoàn thành và có những thành công ngoài mong đợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN