Cử tri hy vọng có thêm động lực mới cho vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung này được nhiều cử tri tại các địa phương trên cả nước quan tâm.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại phiên toàn thể ở hội trường để thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đánh giá về phiên họp, bà Lò Thị Vương, dân tộc Thái, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu (Lai Châu), nguyên Phó Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng không khí thảo luận diễn ra sôi nổi, các đại biểu thẳng thắn đưa ra những ý kiến, kiến nghị, giải pháp rõ ràng, cụ thể của từng dự án để Chương trình đi vào hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu một số đặc điểm tình hình thực tế của các địa phương để Quốc hội xem xét, bổ sung lại mục tiêu của Chương trình về các dự án; tình trạng thiếu đất ở, nhà ở; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đường giao thông; phát triển giáo dục, phát huy giá trị văn hóa…

Bà Lò Thị Vương mong muốn Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, để Chương trình sớm được triển khai, thực hiện. Bởi nước ta là nước có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, vùng biên giới, trong đó có tỉnh Lai Châu, nên khi triển khai, thực hiện chương trình này sẽ tạo thêm động lực, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo cử tri Lò Thị Vương, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trơ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Các chính sách này đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống. Về mặt kinh tế, hiện nay người dân Lai Châu đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, họ xây nhà, mua sắm được các trang thiết bị hiện đại cho gia đình… Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thủy lợi, nước vệ sinh được đầu tư xây dựng đồng bộ. 

Về mặt xã hội, các chính sách hỗ trợ đã khuyến khích được học sinh đến lớp, đến trường theo đúng độ tuổi; chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn bán trú được cải thiện. Từ đó, duy trì sĩ số của các lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, người dân từng bước bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Bước đầu nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân, khi ốm đau không mời thầy đến cúng, mà đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Các bà mẹ có thai cũng thường xuyên đến thăm khám sức khỏe, hạn chế tỷ lệ trẻ sơ sinh bị chết và công tác tiêm phòng dần được bà con quan tâm…

Cùng với phát triển kinh tế, người dân Lai Châu cũng quan tâm đến các hoạt động văn hóa, tổ chức các trò chơi dân gian, lễ hội, văn nghệ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong những bộ trang phục hay những phong tục tập quán độc đáo.

Nói về hạn chế, bà Lò Thị Vương cho rằng: Với tỉnh có địa bàn rộng như Lai Châu thì việc triển khai các dự án đến với cơ sở còn chậm, chưa kịp thời. Cụ thể chính sách phê duyệt nhưng bộ chưa cấp vốn dẫn đến kéo dài thời gian, chậm tiến độ thực hiện các dự án. Nhiều dự án hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng khi xuống cơ sở thực hiện rất khó khăn. Vì vậy, mỗi tỉnh đều có cơ chế và tình hình thực tế khác nhau nên cần có Nghị quyết Đảng bộ riêng về thực hiện chương trình này.

Đồng thời, khi thực hiện các dự án chưa xác định rõ đối tượng thụ hưởng, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng chéo, một gia đình được hưởng nhiều dự án cùng một lúc, điều này tạo nên sự trông chờ, ỷ lại từ Nhà nước của một bộ phận người dân, họ không biết tích lũy, vươn lên trong cuộc sống, mà bằng lòng với hiện tại. Việc quản lý các dự án chưa thống nhất, tập trung khi cùng một vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng có nhiều ngành ở tỉnh quản lý, gây nên sự phối hợp khi chỉ đạo cơ sở không thống nhất, đồng bộ, vì mỗi sở, ngành lại có một văn bản hướng dẫn khác nhau…

Rút kinh nghiệm từ những dự án trước đây, bà Lò Thị Vương đề xuất một số giải pháp như: 10 dự án nằm trong Chương trình này cần được xây dựng theo từng giai đoạn ngắn, không nên quá dài, vì tình hình thực tế luôn thay đổi theo từng ngày, khi xây dựng trong thời gian dài sẽ không còn phù hợp, lỗi thời. Tất cả 10 dự án này nên tích hợp và tập trung về một đầu mối, chỉ một bộ làm chủ quản chứ không cần nhiều bộ quản lý; khi ban hành chính sách, dự án cần đi đôi với cấp nguồn, nghị định ban hành cũng cần kết hợp với thông tư để triển khai kịp thời, đúng tiến độ.

Cùng với đó, cần chỉ đạo các địa phương phân rõ từng vùng, từng đối tượng, tránh tình trạng đánh đồng, đổ đều. Ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo mỏng manh, nên chính quyền cơ sở cần thực chất, xác định đúng đối tượng, tránh việc chồng chéo. Cán bộ làm việc cần phải có trách nhiệm, tận tâm, tận tình, không chạy theo thành tích; người dân cũng không ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ…

Ông Lò Văn Chiến, 80 tuổi, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu cho biết: Bản thân ông là người con dân tộc Giáy sống ở vùng miền núi, thời gian qua ông thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào ở đây với nhiều chính sách hỗ trợ. Đến nay, những chính sách này đã đi vào cuộc sống giúp người dân cải thiện cuộc sống. Có thể thấy rõ nét nhất trên 3 phương diện đường - trường - trạm. Đường giao thông được cứng hóa, thuận tiện đi lại cho bà con, mở hướng phát triển kinh tế; trường học được xây dựng khang trang, các cháu học sinh ra lớp đầy đủ và theo đúng độ tuổi; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên…

Theo ông Lò Văn Chiến, Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 rất thiết thực và cần được triển khai sâu rộng ở các vùng khó khăn. Tuy nhiên, Quốc hội cần xem xét, quan tâm, đầu tư xây dựng thêm đường giao thông nông thôn; công tác khám chữa bệnh tại cơ sở cần được đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để người dân thuận tiện khám, chữa bệnh và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Đặc biệt hiện nay, vấn đề nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân bị thiếu, mong cấp trên nghiên cứu đầu tư hệ thống nước; mở rộng thêm đối tượng vay vốn để phát triển sản xuất, không chỉ người nghèo, hộ cận nghèo mới được vay, mà bất cứ ai cũng có thể vay khi có nhu cầu, như vậy kinh tế mới phát triển tổng thể… Vì vậy, ông Lò Văn Chiến mong rằng Quốc hội sẽ nghiên cứu, xem xét lại những ý kiến của cử tri để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và sớm thông qua Chương trình này.

Cần quan tâm phát triển hạ tầng vùng khó khăn

Cử tri Sóc Trăng cho rằng: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn là vùng còn khó khăn nhất do điểm xuất phát thấp nên khó theo kịp miền xuôi. Đặc biệt quan tâm theo dõi phiên thảo luận tại quốc hội, ông Lâm Ren, cán bộ hưu trí tại phường 5, thành phố Sóc Trăng cho biết: Chỉ một buổi chiều đã có 25 ý kiến đóng góp, tranh luận tại phiên toàn thể cho thấy không khí phiên thảo luận rất sôi nổi, hầu hết các ý kiến đóng góp, kiến nghị với 10 Dự án của Chương trình đều rất xác đáng, đúng với những tâm tư, nguyện vọng, của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền. Cần đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, hướng dẫn đồng bào biết cách làm ăn, tránh tâm lý, tư tưởng ỷ lại chờ đầu tư, hỗ trợ của nhà nước...

Tại Quảng Trị, ông Hồ Văn Pườm, Bí thư Đảng ủy xã A Bung, huyện miền núi Đakrông cho biết: Việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 là rất cần thiết. Từ thực tế xã A Bung - một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, có gần 700 hộ dân, trong đó phần lớn là đồng bào Pa Cô, còn lại là đồng bào Vân Kiều, cần ưu tiên nguồn vốn để thực hiện 2 trong số 10 dự án thành phần của chương trình là Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất đầu tư làm đường giao thông và Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số các loại cây, con giống để trồng rừng và chăn nuôi. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, có đường giao thông thì mới thuận lợi cho việc trao đổi, mua bán hàng hóa với các vùng miền khác. Có đường giao thông, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng được các mô hình kinh tế từ sự hỗ trợ cây giống, con giống của Nhà nước, sẽ rất thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho bà con.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, ông Lâm Ren cho biết: Hiện nay, hầu hết các xã đã có đường ô tô được trải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã nhưng chỉ đạt mức tối thiểu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, khó đi lại trong mùa mưa lũ. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tuyến đường bị sụt lún, sạt lở, hư hỏng, nếu gặp thiên tai, mưa lũ, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn có thể bị tàn phá nặng nề, nhiều nguy cơ tiềm ẩn rất cao, do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ nên rà soát, cân nhắc tính khả thi và tính trùng lắp của các chỉ tiêu cụ thể trong 10 Dự án thành phần so với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, để tập trung ngân sách vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, trong đó cần bổ sung thêm ngân sách đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình và cứng hóa đường giao thông là rất cần thiết.

Quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người dân

Già làng Hồ Trung, xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa, một trong số hàng trăm người uy tín, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị cho rằng: Thời gian tới cần ưu tiên tập trung thực hiện 3 vấn đề lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp vừa để tạo sinh kế, vừa khai thác tiềm năng, lợi thế ở vùng miền núi, trong đó ngoài hỗ trợ cây giống, con giống, cần hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.

Ông Lâm Ren đồng tình với phát biểu tại phiên toàn thể của Đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, đã nêu lên về phạm vi áp dụng đối với các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên là chưa phù hợp, đại biểu kiến nghị mở rộng phạm vi áp dụng trên phạm vi cả nước, để tương thích với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Hơn nữa với đặc thù của khu vực Đồng bằng sông Cửu long, các dân tộc thiểu số sống đan xen với đồng bào Kinh, mặc dù nhiều xã có rất nhiều hộ dân tộc thiểu số sống ổn định, nhưng do địa giới hành chính rộng, chưa đủ điều kiện chia tách nên số xã này còn tỷ lệ dân số đông, có nơi lên đến gần 6.000 hộ/xã nhưng đồng bào dân tộc thiểu số không đạt tỷ lệ 15% dân số xã nên vẫn không được công nhận là xã được Chương trình đầu tư.

Là xã biên giới, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, ông Y Lươm Hnul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đề nghị Quốc hội quan tâm, tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đất sản xuất, nước sinh hoạt, cho vay vốn để phát triển kinh tế, đồng thời mở thêm nhiều lớp tập huấn cho người dân tộc thiểu số để tiếp cận và vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hiện nay ở xã Krông Na có khoảng 20 sinh viên người dân tộc thiểu số mới tốt nghiệp ra trường, chưa có việc làm. Ông Y Lươm Hnul đề xuất, Quốc hội quan tâm, có chính sách tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Y Si Thắt Ksor bày tỏ kỳ vọng về hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo ông Y Si Thắt Ksor, để chương trình có hiệu quả, người dân được hưởng thụ các chính sách từ chương trình, cán bộ thôn, buôn, xã phải có trách nhiệm, phải trăn trở với công việc, chính quyền địa phương phải có tư duy mới và suy nghĩ mới, phải tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho người dân. Đặc biệt, Quốc hội nên xem xét giảm vấn đề cho “con cá” mà phải cho người dân tộc thiểu số “cần câu” để bà con có công ăn việc làm, thúc đẩy con em đến trường.

Chú ý giữ gìn nét văn hóa đặc sắc

Ông Lý Sóc Kha, nguyên Phó Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, hiện nghỉ hưu tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú, Sóc Trăng cho biết:  Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có 104 cơ sở hỏa táng đặt tại các Chùa, Sàlatel ở vùng đông đồng bào dân tộc Khmer nhưng đã xuống cấp trầm trọng, gây ô nhiễm môi trường, ngân sách địa phương không đảm bảo, do đó Chương trình có chủ trương đầu tư cơ sở hỏa táng hiện đại, thân thiện với môi trường tại các Chùa Phật giáo Nam tông Khmer là rất phù hợp với truyền thống văn hóa và tâm linh của đồng bào Khơmer nhưng chỉ tiêu: Xây 7 cơ sở hỏa táng cho đồng bào dân tộc Khmer, định mức đầu tư 45 tỷ đồng/cơ sở cần phải xem xét lại sao cho phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng của các địa phương.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng cần quan tâm đến việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em… Đặc biệt, chương trình cần quan tâm đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ và trẻ em để tự bảo vệ mình và người thân khi cần thiết; Quan tâm đến điều kiện sống và làm việc, nhu cầu thiết yếu của vùng dân tộc thiểu số, miền núi (ăn, mặc, nước sạch, vệ sinh môi trường); Đảm bảo tỷ lệ biết đọc, biết viết của phụ nữ dân tộc thiểu số; Lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, ưu tiên giải quyết việc làm...

Với chủ trương của Đảng và Nhà nước là “không để ai ở lại phía sau”, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước, các cử tri Sóc Trăng cũng mong Quốc hội có Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng Dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài. Trong đó cần có bổ sung về đề án “Truyền thông, tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…”; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc theo hướng số hóa phù hợp xu thế mới. 

Tăng cường đầu tư nâng cấp chất lượng giáo dục, vì Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước với trên 400.000 người, nhưng tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng dân tộc chiếm tỷ lệ lớn, như ở Sóc Trăng còn tới hơn 25%.

Chú thích ảnh
Ông Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ địa phương II Ủy ban dân tộc. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Tại Đắk Lắk, ông Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ địa phương II, Ủy ban dân tộc của Chính phủ cho biết, phiên thảo luận diễn ra trong không khí cởi mở, dân chủ, có tính trách nhiệm và tính thống nhất cao.

Theo ông Điểu Mưu, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đất, với rừng, với nương rẫy. Do đó, nếu người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà không có đất sản xuất thì rất bất cập. Ông Điểu Mưu đề xuất, trước thực trạng chặt phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và các tỉnh có rừng nói chung, Quốc hội nên xem xét, đưa chính sách về giao đất, giao rừng đối với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tình trạng dân tự khai hoang sẽ dẫn đến mất rừng, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng vùng biên giới, vậy nên phải có chính sách khách quan, hiệu quả hơn so với những chính sách trước đây, gắn chính sách với giải quyết đất sản xuất cho người dân, như vậy mới giữ rừng được. Bên cạnh đó, phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chính sách, tuy nhiên cần có nhiều chính sách ưu đãi và đặc thù hơn để hộ nghèo người dân tộc thiểu số được hưởng thụ chương trình một cách thực thụ, thiết thực nhất.

Chú thích ảnh
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Hà Huy Quang đặt nhiều kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Ông Hà Huy Quang, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đề nghị, Quốc hội khi đề ra chủ trương, chính sách cần phải có nguồn lực đi kèm để tổ chức thực hiện, tránh việc chính sách chỉ mang tính chất trên giấy, không có nguồn lực để thực hiện; cần ưu tiên nguồn lực cho các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Ông Hà Huy Quang kỳ vọng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đưa vào thực hiện sẽ tạo ra sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống người dân, cùng với tỉnh Đắk Lắk thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Cần thiết ban hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Cần thiết ban hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN