Ngày 24/2, cử tri nước Cộng hòa Síp đi bỏ phiếu trong vòng hai bầu cử tổng thống để chọn ra vị lãnh đạo mà theo họ có đủ khả năng chèo lái đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ phá sản.Trong vòng một bầu cử Tổng thống CH Síp diễn ra ngày 17/2 vừa qua không một ai trong số 11 ứng cử viên nhận được số phiếu quá bán để giành quyền điều hành đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm. Do đó, theo Hiến pháp của Síp, phải tổ chức bầu cử vòng hai với sự tham gia của hai ứng cử viên giành được nhiều phiếu nhất trong vòng một gồm thủ lĩnh đảng cánh hữu (DICI), ông Nicos Anastasiades với 45,46% số phiếu ủng hộ và ứng cử viên cánh tả Stavros Malas, người được đảng Tiến bộ cầm quyền của nhân dân lao động Síp (AKEL) ủng hộ, với 26,91% phiếu bầu.
Thủ lĩnh đảng cánh hữu, ông Nicos Anastasiades. Ảnh: Internet. |
Cuộc bầu cử tổng thống CH Síp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế quốc đảo này đang lâm vào thời kỳ khó khăn nhất trong vòng 4 thập kỷ qua khi phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản và đang phải trông chờ sự hỗ trợ tài chính của các đối tác trong Liên minh châu Âu. Ngân sách cạn kiệt, kinh tế suy thoái trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục 15%, nên cuộc bầu cử tổng thống CH Síp lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vị tổng thống mới của Síp sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề hóc búa, đặc biệt là không được phép để đất nước bị phá sản, tiến hành các cuộc cải cách cơ cấu sâu sắc và đưa nền kinh tế quay lại con đường phát triển bền vững.
Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu mà tân Tổng thống CH Síp phải giải quyết đó là đạt được thỏa thuận với bộ ba nhà tài trợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế về việc giải ngân khoản cứu trợ trị giá 17 tỷ euro. Tháng 6 năm ngoái, Chính phủ Síp đã phải xin cứu trợ quốc tế do khu vực ngân hàng nước này trở nên kiệt quệ vì phải xóa nợ cho Hy Lạp. Tuy nhiên, cho đến nay khoản cứu trợ này vẫn chưa được giải ngân do các nhà tài trợ lo ngại khả năng trả nợ của nước này. Ngoài ra, các nước Tây Âu cáo buộc Síp đã trở thành "thiên đường" rửa tiền và trốn thuế của các ông trùm tài phiệt.
Trong vòng chưa đầy 2 năm tính đến giữa năm 2011, kinh tế Síp đã rơi vào suy thoái lần thứ hai với các hoạt động kinh doanh giảm 2,3% trong quý III/2012, là quý giảm thứ sáu liên tiếp. Sự chậm chạp trong đàm phán cứu trợ càng khiến cho nền kinh tế nước này trở nên rệu rã và tiến trình cải cách khu vực nhà nước cũng như cân bằng kinh tế vĩ mô càng khó khăn. Giới chuyên gia nhận định kinh tế Síp sẽ vẫn suy thoái trong năm 2014 và việc không đạt được một chương trình cải cách rõ ràng và đáng tin cậy để giải quyết những khó khăn kinh tế và tài chính có thể tác động tiêu cực đến lòng tin giới đầu tư.
TTXVN/Tin Tức