Trả lời:
Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Để thực hiện nhiệm vụ này, công an xã có nhiệm vụ và quyền hạn "Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, CMND và các giấy tờ đi lại khác" và "Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra, kiểm soát CMND của công dân tại nơi công cộng hoặc phạm vi địa bàn quản lý".
Công an xã có trách nhiệm nắm tình hình hộ khẩu, nhân khẩu trên địa bàn. Do bạn từ địa phương khác tới địa bàn làm thuê, lại đi về khuya nên công an xã kiểm tra CMND là đúng quy định pháp luật.
Bạn đã làm thủ tục đăng ký tạm trú tại địa phương thì lên công an xã để nhận lại CMND, trừ trường hợp bạn có hành vi vi phạm pháp luật (như vi phạm về quản lý an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật về hình sự…) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sau khi xử lý vi phạm hành chính theo quy định anh sẽ được trả lại CMND.
Tại Điều 10 Nghị Định số 05/1999/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 03 tháng 02 năm 1999 có quy định về những trường hợp thu hồi, tạm giữ chứng minh nhân dân của công dân như sau: “ Điều 10. Thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân 1- Chứng minh nhân dân bị thu hồi trong các trường hợp sau :
a) Bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam; b) Ra nước ngoài định cư.
2- Chứng minh nhân dân của công dân bị tạm giữ trong các trường hợp sau :
a) Có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ Chứng minh nhân dân;
b) Bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Công dân được nhận lại Chứng minh nhân dân khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính; hết thời hạn tạm giam, chấp hành xong án phạt tù; chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh".
Theo đó, chỉ có hai trường hợp công dân bị thu hồi chứng minh nhân dân đó là khi công dân ra nước ngoài định cư, hoặc bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam. Đối với việc tạm giữ Chứng minh nhân dân của công dân, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc tạm giữ trong trường hợp công dân có hành vi vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ Chứng minh nhân dân; hoặc công dân bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam hay đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Ngoài những trường hợp nêu trên, mọi hành vi tự ý thu hồi, tạm giữ chứng minh nhân dân của công dân đều được xem là vi phạm pháp luật. Như vậy là công an xã giữ chứng minh nhân dân khi người dân không vi phạm hành chính, không lập biên bản vi phạm hành chính là sai luật.