Coi chừng trẻ bị ngộ độc Paracetamol

Theo BS Nguyễn Thị Nguyên Hoa, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM: Bệnh viện vừa điều trị thành công bệnh nhi nữ T.T.L., 14 tuổi, bị ngộ độc thuốc có chứa Paracetamol. T.L. lại vốn là một học sinh giỏi, nhưng do kết quả thi học kỳ I đạt thấp, nên cháu đã uống tới 20 viên thuốc Panadol Extra (loại thuốc có chứa chất Paracetamol). Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị hôn mê. Rất may là sau khi được các điều trị và chăm sóc tích cực, cháu T.L. có biểu hiện hồi phục tốt.


Ngộ độc Paracetamol thường gặp ở trẻ em, vì đây là một thuốc sử dụng phổ biến trong các gia đình. Theo các bác sĩ, ở liều điều trị, thuốc này hầu như không có tác dụng phụ nhưng khi dùng quá liều, chất chuyển hóa của Paracetamol là N-acetyl-benzoquinonimin gây độc nặng cho gan, gây suy gan, hạ đường huyết, suy thận, rối loạn nhịp tim, nhiễm toan chuyển hóa, bệnh lý não dẫn đến hôn mê, tử vong.


Do đó lưu ý, không được dùng Paracetamol để tự điều trị cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em (người lớn không quá 10 ngày), trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10 - 15mg/kg cân nặng, ngày uống 3 - 4 lần và liều tối đa cho trẻ là không quá 60mg/kg/ngày.


Trong vòng 24 giờ sau khi uống thuốc, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng ngộ độc như: Đau bụng, nôn ói, xanh tái, ngủ li bì…


LBT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN