Theo TS. Lê Minh Hương, khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh không nên chờ khi con mình xuất hiện các triệu chứng dị ứng rồi mới phòng tránh.
Những trẻ bị dị ứng thức ăn khi nhỏ sẽ có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh dị ứng khác trong suốt cuộc đời như viêm mũi dị ứng, chàm hoặc hen phế quản. Các nhà khoa học gọi đó là “tiến trình dị ứng”.
Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, chúng ta có thể xác đinh được nguy cơ dị ứng của đứa trẻ ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Ví dụ: Nếu cả bố và mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50-80% con có nguy cơ mắc. Nếu một bố hoặc mẹ bị dị ứng thì khoảng 20-40% con có nguy cơ bị dị ứng. Và ngay cả khi bố và mẹ không bị dị ứng, vẫn có 5 -15% trẻ nguy cơ mắc bệnh dị ứng.
Vì vậy, dựa vào tiền sử gia đình để xác định nguy cơ dị ứng cho trẻ ngay từ khi mang thai là cần thiết. Nếu xác định trẻ có nguy cơ cao nên sử dụng các phương pháp phòng ngừa dị ứng sớm qua chế độ ăn. Cụ thể:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng, loại bỏ các yếu tố có thể gây dị ứng trong chế độ ăn của mẹ.
- Trường hợp không có sữa mẹ nên sử dụng các công thức sữa giảm tính dị ứng, tránh sử dụng sữa bò.
- Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, ăn một loại thức ăn mới mỗi tuần để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò). Những thức ăn này nên tập cho trẻ ăn sau 12 tháng tuổi.
MBT