LTS: Tháng 8 này, đất nước chứng kiến sự trở về và hội tụ của nhiều khoa học, việt kiều nổi tiếng, cũng là thời điểm mà nhiều nhà khoa học và giáo dục hàng đầu lại thương tiếc tưởng nhớ 27 năm ngày mất của cố GS Tạ Quang Bửu, vị Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học đầu tiên của nước ta. Một trong những đóng góp lớn của cố Giáo sư Tạ Quang Bửu là trên cơ sở kiến thức uyên bác, hiểu biết khoa học ở trình độ cao ông đã có mối quan hệ thân hữu, mời được nhiều nhà bác học hàng đầu thế giới, các tri thức Việt kiều nổi tiếng cùng làm việc với nước ta; mở đầu cho công cuộc đào tạo bồi dưỡng nhiều cán bộ khoa học đầu ngành của đất nước.
Cố Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910, mất ngày 21/8/1986, là một nhà khoa học, nhà toán học mẫu mực của Việt Nam. Tham gia cách mạng từ rất sớm, ông từng đảm trách những vai trò lịch sử đặc biệt dưới sự dẫn dắt của Hồ Chủ tịch và các lãnh tụ khác như ủy viên Hội đồng Kiến thiết Quốc gia, thành viên các phái đoàn Chính phủ Việt Nam tham gia Hội nghị trù bị Đà Lạt, Hội nghị Fontainebleau. Ở Hội nghị Geneve, với cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp ký Hiệp ước Đình chiến Geneve. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VI (1946-1981).
Là một tấm gương không ngừng tự học và nỗ lực vươn lên, hoàn thiện mình, suốt cuộc đời, cố GS Tạ Quang Bửu đã tạo nên nhiều thành tựu, trong đó có những công trình khoa học kinh điển đầu tiên của nền khoa học cách mạng Việt Nam như các cuốn sách: Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử - hạt nhân - vũ trụ tuyến và sống; các công trình nghiên cứu cùng nhiều nhà khoa học Việt Nam phục vụ chiến tranh như các đề tài phá bom từ trường, chống bom điều khiển, rà phá thủy lôi, rà phá mìn định hướng, xây dựng cầu treo dã chiến dọc đường Trường Sơn...
Với cương vị Giám đốc trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã chỉ đạo xây dựng nên một trường ĐH kỹ thuật đầu tiên của đất nước, mở các ngành học mới đón trước tương lai như ngành toán tính, toán điều khiển, ngành nhiệt đới hóa, ngành kỹ sư vật lý, kỹ sư toán...
Với cương vị Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ông đã đưa công tác tuyển sinh vào nề nếp, bảo đảm chất lượng đại học, tổ chức tốt việc thi tuyển chọn sinh viên và nghiên cứu sinh đi học các nước XHCN. Ông đã chỉ đạo xây dựng các ban Thư ký môn học, tổ chức viết sách giáo khoa đại học. Ông cũng chủ trương mở các lớp năng khiếu Toán, Vật lý, do đó các học sinh nước ta đi thi Toán, Vật lý quốc tế đã có huy chương vàng ngay trong đợt đầu tiên năm 1974. Ông đã ủng hộ chủ trương của trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ, mở đầu cho việc đào tạo trên đại học trong nước.
Trong bối cảnh đất nước ngập tràn khó khăn sau năm 1954, khi dân tộc ta từ nghèo nàn và lạc hậu đi lên nền giáo dục và khoa học như ngày nay, đã có sự đóng góp lớn lao không thay thế được của cố Giáo sư Tạ Quang Bửu để biến thành hiện thực các đường lối giáo dục, nâng cao dân trí cho đất nước của Bác Hồ và Trung ương Đảng.
Lòng yêu nước nồng nàn, trí tuệ uyên thâm, nghị lực vươn lên phi thường vượt qua mọi nghịch cảnh và thời gian, nhà khoa học Tạ Quang Bửu lại có một cuộc sống gia đình hết sức thanh bạch, liêm khiết và bản tính khiêm tốn, ham học hỏi, hết lòng tôn trọng người tài, không ngừng giúp đỡ những mầm non của đất nước.
Nhiều năm trôi qua nhưng những triết lý giáo dục sâu sắc của ông về ba tính chất “cơ bản, hiện đại, Việt Nam” đã đặt cơ sở cho việc xây dựng phương pháp giảng dạy đại học phải gắn nhà trường với thực tiễn và đời sống, gắn giảng dạy đại học với nghiên cứu khoa học để bảo đảm chất lượng nền đại học, những vấn đề mà hiện nay vẫn còn nguyên tính thời sự trong nền giáo dục đại học của nước ta. Và sáng mãi trong lòng bạn bè, học trò, những người yêu quý ông một nhân cách nhà giáo Tạ Quang Bửu thông qua câu ông đã viết trong lời tựa quyển sách “Sống” xuất bản ở chiến khu Việt Bắc: “Điều cốt yếu không phải là: Sống là gì? Điều cốt yếu là: Làm gì trong lúc sống?”.
An Trang