Chuyển biến tích cực trong giáo dục cho đồng bào dân tộc

Thay vì những bữa cơm đạm bạc chỉ có nước sôi, muối ớt và ít rau rừng, giờ đây, bữa cơm của hàng nghìn học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Yên Bái đã có thêm thịt, cá, đậu và các loại rau xanh... Cùng với đó, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đạt 99% và tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần luôn đạt từ 93 đến 98%... Có được sự thay đổi “kỳ diệu” này là nhờ một số chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).

 

Giờ học môn tin học của học sinh trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.

 

Nhiều năm trước đây, mô hình trường nội trú dân nuôi ở Yên Bái được coi là giải pháp quan trọng để huy động học sinh ra lớp, giảm tình trạng học sinh bỏ học và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Mặc dù mô hình này mang lại những kết quả nhất định, song chưa thật sự bền vững; mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị còn quá thiếu thốn, đặc biệt là phòng nội trú cho học sinh; đa số các trường đều thiếu nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch... Nhiều điểm trường heo hút, trò đi học không đều, có những em ham học phải tự dựng lều lán, tự nấu nướng và sinh hoạt chật vật trong căn lều tạm bợ. Trường xa, lớp mỏng, giáo viên thiếu, nhận thức của người dân còn hạn chế... nên hầu hết ở các vùng cao, vùng sâu, tỷ lệ học sinh ra lớp còn thấp, chất lượng giáo dục không ổn định.


Tháng 12/2009, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”. Theo đó, đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng 54 trường PTDTBT với mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho một học sinh bằng 40% lương cơ bản (420.000 đồng) và thêm 10% lương cơ bản đối với những học sinh không có chỗ ở, phải đi thuê nhà trọ bên ngoài. Sau 3 năm triển khai mô hình trường này, ngành giáo dục Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh ra lớp, học sinh chuyên cần ngày một tăng, tình trạng bỏ học giảm, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng nâng cao, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc đưa con em đến trường học tập.


Thầy Hoàng Đình Văn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Mỏ Vàng, huyện Văn Yên cho hay, trước đây, do tính chất “dân nuôi” nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các em học sinh rất khó khăn, thiếu thốn. Các em thường xuyên bỏ học. Từ khi chuyển đổi sang trường PTDTBT, nhà trường không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa kỳ, tỷ lệ huy động ra lớp luôn đạt 99%; tỉ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng cao và đã có học sinh đi thi học sinh giỏi cấp huyện; tỷ lệ tốt nghiệp cuối cấp của những năm gần đây luôn đạt trên 95%...


Tương tự trường PTDTBT - THCS Mỏ Vàng, năm 2011, Trường PTDTBT - THCS Viễn Sơn, huyện Văn Yên, cũng được chuyển đổi sang loại hình PTDTBT. Trước kia, việc huy động học sinh ra lớp đầu năm luôn là vấn đề gian nan đối với các thầy cô giáo nơi đây. Nguyên nhân do xã có nhiều thôn, bản xa trung tâm trên 10 km nên học sinh không thể đi về trong ngày, do đó tình trạng bỏ học thường xuyên ở mức cao; nhiều gia đình nghèo không có điều kiện để chu cấp cho con em tới trường. Nhưng từ khi chuyển sang mô hình trường PTDTBT, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng lên, chiếm gần 30%. Em Đặng Thị Sính - lớp 9B, học sinh thuộc diện bán trú của nhà trường, chia sẻ: “Năm học này em thấy rất vui vì đã được ở bán trú cùng các bạn. Ở đây, em được ăn no hơn, ngon hơn và tham gia thường xuyên vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ngoài giờ, được thầy cô giáo phụ đạo thêm kiến thức sau những giờ trên lớp nên kết quả học tập của em ngày càng tốt hơn”.


Thực hiện đề án, nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến thực tế, mang lại hiệu quả cao. Điển hình là xã Trạm Tấu đã mạnh dạn đi đầu trong việc xây dựng “Kho thóc khuyến học”, nhằm hỗ trợ các học sinh không thuộc diện hưởng chế độ bán trú trên địa bàn. Với chương trình này, trung bình mỗi năm có trên 8 tấn thóc và hơn 20 triệu đồng được góp ủng hộ quỹ. Năm học 2012 - 2013, “Kho thóc khuyến học” đã hỗ trợ được cho 87 học sinh được một bữa ăn trưa tại trường và 6 em được hỗ trợ ăn ở tại trường. Hiện, toàn huyện Trạm Tấu có 10 trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở với 152 lớp, 3.564 học sinh.


Đến nay, toàn tỉnh đã có 38 trường TH, THCS, TH&THCS được chuyển đổi thành trường PTDTBT với tổng số học sinh bán trú (tính từ tháng 1 đến tháng 5/2013) là 10.210 em, trong đó có gần 7.900 em được sắp xếp ở bán trú tại trường.


Cái được lớn nhất của mô hình trường PTDTBT là đã phát huy được hiệu quả của các chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng cao, nhân lên niềm tin của đồng bào dân tộc với Đảng và Nhà nước. Trường PTDTBT đã trở thành mái ấm cho những con chữ “neo đậu”, góp phần nâng cao chất lượng của sự nghiệp trồng người ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Yên Bái.


Bài và ảnh: Trung Kiên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN