Cái lạnh buốt của mùa đông Hà Nội không làm mất đi sự ấm áp của "Cuộc gặp mặt học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích cao trong kỳ thi quốc gia và kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2010" do Ủy ban Dân tộc và Bộ GD&ĐT tổ chức.
Có lẽ bởi niềm vui, sự hào hứng, phấn khởi hiện trên khuôn mặt của con em các dân tộc có mặt trong buổi sáng qua, 26/12. Và có lẽ, nhiều hơn là bởi sự ân cần, quan tâm mà mỗi lãnh đạo, nhân viên trong Ủy ban Dân tộc cũng như các báo tham gia chương trình 975 đã dành cho các tài năng tương lai này...
Những chủ nhân tương lai
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương đi từng bàn, bắt tay từng em, ân cần hỏi thăm về dân tộc của các em, về tình hình học hành. Ông vui mừng và hào hứng gọi mọi người khi "phát hiện" ra em học sinh nào đó là dân tộc Dáy - một dân tộc khá hiếm của Việt Nam; ông nhiệt tình mời mấy cô "tân sinh viên" tham gia vào cuộc thi trang phục dân tộc mà Ủy ban Dân tộc đang tổ chức...
Với mỗi thành viên trong Ủy ban Dân tộc, các em học sinh, sinh viên có mặt buổi sáng nay đều là người nhà từ lâu lắm rồi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương thăm hỏi các em học sinh xuất sắc. Ảnh: Lê Phú |
Có mặt tại buổi gặp mặt, ai cũng ấn tượng về cậu học trò nhỏ tuổi Hoàng Thân, dân tộc Tày, đã đoạt giải đặc biệt của cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc. Hoàng Thân sinh ra ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên), là một trong những cậu bé dân tộc có năng khiếu đặc biệt: Mới 3 tuổi đã đọc chữ vanh vách.
Ông Cung Văn Hóa, người đỡ đầu cho Hoàng Thân, cho biết: Một lần, lên thăm ông Hoàng Đình Tay (ông nội của Hoàng Thân), là bạn chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hóa đã phát hiện ra năng khiếu của "thần đồng" Hoàng Thân, và đã xin phép gia đình đưa Thân về Hà Nội, nuôi cháu ăn học.
Mới 3 tuổi, Thân đã có thể đọc chữ vanh vách, không chỉ là bảng chữ cái in khổ lớn hay những quyển truyện tranh in chữ to, mà ngay cả những dòng chữ nhỏ in trên các loại vỏ bao, Thân cũng đọc dễ dàng. Tròn 5 tuổi, cậu được đặc cách vào học lớp 1 (do chính Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký giấy).
Và chỉ trong hai ngày đầu đi học, cậu đã lên 3 lớp - từ học sinh lớp 1 thành học sinh lớp 3… Năm nay Hoàng Thân 10 tuổi và đang học lớp 7 Trường THCS Đại Kim (Hà Nội).
Từ năm 2005 đến nay, Hoàng Thân đã 5 lần tham dự cuộc thi sáng tạo trẻ, và cả 5 lần đều đoạt giải.
Không quá "đặc biệt" như Hoàng Thân, cô bé Hà Ngọc Anh (sinh năm 1992, dân tộc Mường, quê Thanh Hóa) lại chinh phục người đối diện bằng những kiến thức về dân tộc Mường của mình. Cựu học sinh lớp chuyên văn trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), người đã đoạt giải ba cuộc thi quốc gia - Hà Ngọc Anh tâm sự, em có sở thích tìm hiểu về trang phục của dân tộc mình.
"Rất thú vị khi tìm hiểu về trang phục dân tộc Mường của em, vì mỗi một lớp người lại có những trang phục khác nhau, khác nhau cả về màu sắc. Ví như những người có tuổi thì mặc màu sậm tối, còn các thiếu nữ thì thiên về màu hồng. Đẹp nhất trong trang phục người Mường là chiếc váy quấn thổ cẩm".
Ngọc Anh kể, ở nhà em, có bà cố là vẫn mặc nguyên trang phục Mường, còn em thì cũng đã tự "thửa" cho mình một bộ trang phục dân tộc Mường để mặc những dịp lễ, Tết. "Có nhiều phong tục của người Mường cũng rất thú vị, ví như việc với người Mường, chết không phải là hết, mà chết là đến cõi vĩnh hằng, chính vì vậy, người Mường coi ngày đám ma là ngày vui, chứ không phải ngày đau buồn".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã trao tặng Bằng khen cho 39 học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có thành tích cao trong kỳ thi quốc gia và kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2010. Ngoài ra, 88 em được trao học bổng của Quỹ học bổng Vừ A Dính và học bổng do 16 cơ quan báo, tạp chí trao tặng. |
Ngọc Anh học giỏi toàn diện, nhưng giỏi nhất là văn. Em hiện là học sinh trường ĐH Ngoại Thương. Ngọc Anh tâm sự, là sinh viên người dân tộc rất có "lợi thế" vì luôn được các bạn trong lớp "chiều". Nhưng chính vì được "chiều" nên càng phải phấn đấu, nỗ lực hơn, để không thua kém các bạn.
Cô bé Nguyễn Thị Thu Hường (dân tộc Tày, quê Thái Nguyên) thì không có sự tự tin của Hà Ngọc Anh, nhưng chính vẻ bẽn lẽn rất duyên của khuôn mặt "đặc trưng Tày" rất hút hồn và mái tóc dài gần tới đầu gối lại khiến Hường được chú ý.
Hường bảo, lên Hà Nội học rất nhớ nhà, nhớ quê hương, và tới bây giờ vẫn ... chưa quen được với giao thông Hà Nội, sợ nhất là khi phải sang đường. Hiện là sinh viên trường ĐH Sư phạm, mong muốn lớn nhất của Hường là khi tốt nghiệp, sẽ được về giảng dạy tại trường THPT chuyên Thái Nguyên - ngôi trường cấp 3 của em để đem kiến thức đã được học truyền đạt lại cho các em học sinh dân tộc của quê hương.
"Chất xúc tác" cho tài năng phát triển
Nỗ lực bản thân của các em học sinh dân tộc thiểu số là điều ghi nhận. Nhưng trong thành công của các em, cũng có "chất xúc tác" là những chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho việc phát triển giáo dục của vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cũng như những sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.
Đây là năm thứ 2 Ủy ban Dân tộc tổ chức gặp mặt, trao bằng khen và học bổng cho các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích cao trong kỳ thi quốc gia và kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2010.
Như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương "bật mí" với phóng viên Tin Tức, năm nay có một bước tiến đáng mừng về số lượng các em được khen thưởng: "Nếu như năm 2009 mới chỉ có 27 em được khen thưởng, thì năm nay con số đã lên tới 88 em, thuộc rất nhiều dân tộc, vùng miền khác nhau; tăng gấp 3 lần. Đó là kết quả quan trọng của sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của vùng dân tộc và miền núi".
Theo Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương, việc trao thưởng cho các cháu học sinh đạt thành tích cao trong học tập hôm nay là nguồn động viên to lớn, khuyến khích tài năng trẻ là con em đồng bào DTTS phát huy tinh thần học tập của mình. Đây sẽ là việc làm hàng năm của Ủy ban Dân tộc, nhằm tôn vinh những chủ nhân tương lai của đất nước.
"Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì được phong trào học tập và rèn luyện này của học sinh phổ thông các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, hiện Ủy ban Dân tộc đang xúc tiến để sớm ra mắt Quỹ học bổng tài năng trẻ trong công tác đào tạo, giáo dục cho nguồn nhân lực khu vực dân tộc và thiểu số, nhằm thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực là con em đồng bào DTTS".
Sau buổi gặp mặt này, đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do chính Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử dẫn đầu sẽ vào Thành phố Hồ Chí Minh để gặp mặt, tuyên dương và trao học bổng cho các em học sinh dân tộc thiểu số khu vực phía Nam.
Đây là một việc làm thật sự thiết thực và hiệu quả, nhằm động viên, khuyến khích phong trào học tập tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, "giúp miền núi nhanh chóng tiến kịp miền xuôi"...
Tổng Biên tập báo Tin Tức trao quà cho các em học sinh giỏi. Ảnh: Lê Phú |
Trong buổi gặp mặt, ông Lê Duy Truyền, Tổng Biên tập báo Tin Tức (TTXVN) thay mặt tòa soạn - đã trao 5 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 5 em: Vũ Bá Việt, Tôn Vũ, Vi Thị Phương Thảo, Viết Thị Thúy An và Dương Thị Thảo.
Nhận số tiền do Tổng Biên tập báo Tin Tức trao tặng, em Dương Thị Thảo, dân tộc Tày, sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Em rất vinh dự và bất ngờ khi được báo Tin Tức hỗ trợ kinh phí, khuyến khích em học tập. Em xin hứa sẽ tu dưỡng đạo đức, phấn đấu đạt thành tích cao hơn nữa trong những năm học tập tại Hà Nội để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và các cô, chú, anh chị phóng viên báo Tin Tức". Sinh ra và lớn lên ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), từ nhỏ Dương Thị Thảo đã đam mê môn văn và địa lý nên trong suốt 9 năm học ở cơ sở và 3 năm học tại Trường dân tộc nội trú Lạng Sơn, năm nào Thảo cũng đạt học sinh giỏi. Riêng năm học 2009 - 2010 em đã đạt giải khuyến khích cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý và đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội với tổng số điểm 26,5 và là một trong những học sinh DTTS đạt điểm cao của Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Phạm Tuyết - Viết Tôn