Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh-Bài cuối: Những chương trình hành động

Bài cuối: Những chương trình hành động

Xuất phát từ thực tế bom mìn (BM) sót lại sau chiến tranh ở nước ta rất nặng nề, diện tích ô nhiễm lớn, tai nạn BM còn nhiều, nhận thức của nhân dân về phòng tránh BM nhiều nơi còn thấp, trong những năm qua, vấn đề ô nhiễm BM đã ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sớm lập bản đồ ô nhiễm BM

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý BM (Binh chủng Công binh) cho biết: Hoạt động điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm BM của nước ta hiện nay được thực hiện theo quyết định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Đảng, Nhà nước và quân đội đã hết sức nỗ lực khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh và đã đạt nhiều kết quả to lớn.

Trung tá Lê Mạnh Hùng, Chủ nhiệm công binh Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị giới thiệu tác hại của các loại bom. ảnh: Trọng Đức - TTXVN



Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác rà phá, hỗ trợ nạn nhân BM, tuyên truyền giáo dục phòng tránh BM, huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả. Kết quả đó đã góp phần thu hẹp diện tích ô nhiễm BM, giảm dần những vụ tai nạn BM đáng tiếc. Tuy nhiên, diện tích ô nhiễm BM còn rất lớn, tai nạn BM vẫn xảy ra đòi hỏi cần phải huy động, tập trung nguồn lực để khắc phục, xác định khối lượng công việc phải làm và đề ra những giải pháp, thời hạn để giải quyết một cách cơ bản. Để có được chiến lược và kế hoạch cấp quốc gia khắc phục hậu quả ô nhiễm BM, cần phải có điều tra, khảo sát… từ đó các ngành, các địa phương mới tham mưu được cho Chính phủ để có lộ trình khắc phục cơ bản hậu quả BM.

Trong 3 năm (2000-2002), các địa phương trong nước đã tiến hành điều tra sơ bộ ô nhiễm bom mìn, vật nổ (BMVN). Từ kết quả đó đã giúp cho công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả BMVN tốt hơn. Tuy vậy, do chưa có điều tra chính thức nên số liệu chưa thật chính xác, chưa lập được bản đồ kỹ thuật số và cập nhật thường xuyên nên số liệu còn hạn chế. Do đó từ việc khảo sát mức độ ô nhiễm BM trên toàn quốc sẽ tạo cơ sở để các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ xác định được những khu vực, công việc ưu tiên trong khi nguồn lực của chúng ta còn có hạn. Qua điều tra khảo sát còn có những khu vực ô nhiễm bom đạn gần khu dân sinh cần phải ưu tiên xử lý ngay, gián tiếp xác định được mức độ nhận thức phòng tránh của nhân dân, có giải pháp hỗ trợ nạn nhân, tuyên truyền giáo dục phòng tránh BM… sát thực, hiệu quả hơn.

Được thực hiện bắt đầu từ năm 2010, đến nay việc điều tra khu vực, điểm bị ô nhiễm BM đã thực hiện xong ở 19 tỉnh, thành phố với tổng số 2.685 xã, phường, thị trấn, bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến năm 2013 sẽ tiếp tục triển khai dự án tại 24 tỉnh, thành phố với 4.654 đơn vị xã, phường, thị trấn.

Để có chương trình kế hoạch rõ ràng rất cần phải điều tra khảo sát chính xác bằng số liệu mang tính định lượng, xác định được nhu cầu bức thiết, từ đó mới thuyết phục được các nhà tài trợ trong nước và quốc tế… Qua khảo sát mới có những số liệu cụ thể, cập nhật, sát thực, chính xác về hậu quả BM trên những địa bàn, địa chỉ cụ thể để kêu gọi tài trợ, để làm việc với Chính phủ Mỹ và các nhà tài trợ tiềm năng chung tay góp sức khắc phục hậu quả BM ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy nhiều nhà tài trợ các nước phát biểu sẵn sàng hỗ trợ vào từng công việc cụ thể trong lĩnh vực này nhưng chưa có những số liệu cụ thể theo yêu cầu của họ. Cho nên cần có những số liệu cụ thể về mức độ ô nhiễm BM trên toàn quốc mới tăng cường được truyền thông trong nước, quốc tế để nâng cao nhận thức cho nhân dân, cho cộng đồng trong việc giải quyết hậu quả BM sau chiến tranh trên toàn quốc cũng như tập trung vào những khu vực cần ưu tiên. Tạo sự quan tâm của toàn xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.

Những giải pháp cụ thể

Mục tiêu của chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh là huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của BM phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân BM hòa nhập vào đời sống xã hội.

Ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp cụ thể. Đó là xác định, đưa các dự án khắc phục hậu quả BMVN sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và các địa phương; lồng ghép các dự án thuộc chương trình vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động khác có liên quan trong quá trình triển khai. Xây dựng chính sách thu hút tài trợ của nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả BM. Tăng cường tuyên truyền hậu quả BM gây ra nhằm đẩy mạnh vận động tài trợ nước ngoài. Xây dựng cơ chế quản lý, điều phối cấp quốc gia để phân bổ các nguồn lực trong nước và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các hoạt động khắc phục hậu quả BM. Xây dựng chính sách phát triển nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả BM, đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và tập huấn ở trong nước và nước ngoài cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả BM; nghiên cứu phát triển công nghệ rà phá BM. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, vận động thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế, quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án của Chương trình.


Cũng theo ông Bùi Hồng Lĩnh, trong 6 nhóm giải pháp trên, nhóm các giải pháp tăng cường thu hút tài trợ của nước ngoài và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước có vai trò đột phá để tăng cường nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật cho việc thực hiện chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả BM.

Mặc dù còn khó khăn về kinh tế nhưng Việt Nam đã ưu tiên bố trí lồng ghép trực tiếp kinh phí rà phá BM khoảng 30 triệu đô la Mỹ/năm, chưa kể nguồn hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội ở những vùng ô nhiễm BM lên đến hàng nghìn tỷ đồng/năm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trong 5 năm tới, Việt Nam ưu tiên bố trí khoảng 200 triệu đô la Mỹ cho việc khắc phục hậu quả BM, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 29% nguồn lực cần thiết. Do vậy việc hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và bạn bè quốc tế khắc phục hậu quả BM không những có giá trị về kinh tế, mà còn có ý nghĩa nhân văn cao cả góp phần giải phóng đất bị ô nhiễm BM đưa vào sản xuất kinh doanh, giúp các xã, huyện nghèo thoát nghèo, tạo điều kiện cho nạn nhân được hỗ trợ về y tế, giáo dục, công ăn việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Viết Tôn

Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh: Bài 1: Nỗi đau sau chiến tranh
Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh: Bài 1: Nỗi đau sau chiến tranh

Thực trạng ô nhiễm bom mìn (BM) sau chiến tranh ở Việt Nam rất nặng nề, tai nạn do BM vẫn liên tục xảy ra. Nhà nước rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả BM bao gồm việc rà phá BM, hỗ trợ nạn nhân, tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền giáo dục phòng tránh BM cho nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN