Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh: Bài 1: Nỗi đau sau chiến tranh

Thực trạng ô nhiễm bom mìn (BM) sau chiến tranh ở Việt Nam rất nặng nề, tai nạn do BM vẫn liên tục xảy ra. Nhà nước rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả BM bao gồm việc rà phá BM, hỗ trợ nạn nhân, tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền giáo dục phòng tránh BM cho nhân dân. Các công việc này được các bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực, đặc biệt công việc rà phá BM do Bộ Quốc phòng triển khai và công tác hỗ trợ nạn nhân, tái hòa nhập cộng đồng, tuyên truyền giáo dục phòng tránh BM cho nhân dân được Bộ LĐ,TB&XH triển khai đã đạt được nhiều kết quả.

Bom mìn, vật nổ (BMVN) còn sót lại sau chiến tranh trên đất nước ta có tác động nhiều mặt đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cán bộ Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị tặng quà cho gia đình chị Hồ Thị Xuân, dân tộc Pa Cô, thôn Khơ 1, thị trấn Krông Klang, huyện Dakrông (Quảng Trị). Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Theo chân các cán bộ Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh), chúng tôi có dịp chứng kiến những cảnh đời hết sức éo le, những nạn nhân bị tai nạn BM rất thương tâm. Thấy có bộ đội đến thăm và động viên gia đình, chị Hồ Thị Xuân, dân tộc Pa Cô, 42 tuổi ở thôn Khơ 1, thị trấn Krông Klang, huyện Dakrông (Quảng Trị) khóc òa. Chị Xuân chậm rãi kể lại: “Thật đau đớn cho gia đình tôi khi người trụ cột của gia đình đã ra đi vĩnh viễn vào đúng ngày 29 Tết năm 2009. Tranh thủ thời tiết ấm áp ngày cuối năm, chồng tôi là Hồ Văn Nguyên cố gắng giẫy nốt đám cỏ trên rẫy để ăn Tết xong gia đình sẽ trồng mì, thì một tiếng nổ xé lòng khiến chồng tôi chết tại chỗ”. Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Klang, huyện Dakrông chia sẻ: Anh Nguyên ra đi để lại 5 đứa con thơ dại và 2 bố mẹ già, hoàn cảnh gia đình hiện tại rất éo le. Cả gia tài chỉ có ngôi nhà cấp bốn ba gian, vật dụng gia đình không có gì đáng giá. Bây giờ mọi gánh nặng cơm áo đổ hết lên vai người phụ nữ gầy yếu, trong khi cả nhà chỉ có 0,5 ha rẫy, ruộng nước thì ít nên bữa cơm gia đình chị vẫn còn phải độn sắn.

Theo thống kê, từ khi hết chiến tranh và đến năm 2000, cả nước đã có 42.135 người chết và 62.163 người bị thương do BM còn sót lại gây ra. Nạn nhân BM chủ yếu là những người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Nhiều người bị tàn tật suốt đời, tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, bom mìn, vật nổ còn gây ra tâm lý hoang mang, không yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế. Trước thực trạng trên, tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 504).

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thị trấn Krông Klang đã bị bom đạn cày xới. Hòa bình lập lại, trong khi lao động sản xuất trên nương rẫy, đồng bào dân tộc Pa Cô - Vân Kiều vẫn phát hiện nhiều loại đầu đạn còn sót lại nằm lộ thiên trên mặt đất, trong gốc cây, vách núi. Hàng năm vẫn còn nhiều bà con và gia súc bị tai nạn BM gây thiệt hại về người và tài sản. “Hiện các nạn nhân và gia đình có người bị tai nạn BM vẫn chưa được hỗ trợ gì. Diện tích đất của thị trấn còn nhiều nơi vẫn chưa được rà phá BM, nhiều khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học, bom đạn trong lòng đất còn nhiều. Trong khi đó hàng ngày bà con vẫn phải canh tác trên diện tích đất bị ô nhiễm BM để mưu sinh nên mối nguy hiểm vẫn luôn rình rập trên mảnh đất này” - ông Trần Quốc Khánh khẳng định.

Còn với nạn nhân Võ Đức Quốc, 52 tuổi ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thì cuộc đời anh lại có một hoàn cảnh ngang trái do tai nạn BM. Chính quả mìn trong vườn nhà đã cướp đi một người thân của anh, còn bản thân anh thì vĩnh viễn mất cánh tay trái, chân và mắt phải. Trên cơ thể chỉ còn lại chân trái và bàn tay phải mất ngón. Chị Võ Thị Hạnh (chị gái anh Quốc) dẫn chúng tôi đến góc bếp. Người đàn ông ngồi vô hồn với đám giấy bánh kẹo vứt bừa bãi. Chiếc áo cộc tay bẩn để lộ những vết sẹo dài trên cơ thể không lành lặn. Chị Hạnh cho biết: “Năm 1982, Quốc xuất ngũ sau thời gian đi bộ đội. Ngày đó, cô Tứ làng bên rất mến mộ và đem lòng yêu thương. Bà con làng xóm, ai cũng mừng cho đôi trai tài, gái sắc. Cả hai người cũng đã tính đến chuyện hôn nhân, nhưng tai nạn đau thương đã xảy ra vào năm 1985 khi Quốc bị tai nạn BM trong lúc đang làm vườn. Không quản ngại đau thương mất mát, cô Tứ đằng đẵng gần 10 năm đi lại chăm sóc Quốc, nhưng do vết thương của Quốc quá nặng, khó có thể trở lại bình thường, nên gia đình tôi đã khuyên nhủ cô Tứ đi lấy chồng”.

Người yêu anh Quốc đi lấy chồng. Vậy là gánh nặng chăm sóc em trai tàn tật, mẹ già lại đổ hết lên đôi vai người phụ nữ gầy. Thương mẹ, thương em, chị Võ Thị Hạnh đã ở vậy cho đến ngày nay mà không xuất giá. Tâm sự với chúng tôi, chị Hạnh chỉ khóc mà không nói thành lời. Tôi nắm đôi tay chai sạn để giữ bình tĩnh cho chị, trong nước mắt chị chua chát: “Nhìn mẹ già và người em tàn tật tôi không nỡ đi lấy chồng. Có lúc Quốc khùng lên, nó quậy phá làm cả nhà ai cũng sợ. Có lần mua mấy ki - lô - gam xi măng về để láng lại cái nền bếp cho em ngồi đỡ bẩn thì nó lấy ra hòa vào nước uống gần hết. Thuốc bảo vệ thực vật mua về để chăm sóc lúa nó cũng lấy để trộn thức ăn. Nhìn cảnh ấy tôi xót thương em lắm”. Nói đến đây chị Hạnh lại nấc lên từng tiếng.

Với các nạn nhân bị tai nạn BM chúng tôi gặp, ai cũng có hoàn cảnh éo le. Người thì vô tình bị mìn nổ khi đi làm, người thì do kém hiểu biết dò tìm phế liệu mà “tai họa” giáng xuống, cảnh tượng nào cũng thương tâm. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở đâu chính quyền quan tâm thì những người tàn tật được Nhà nước hỗ trợ thêm 180.000 đồng/tháng, nhưng cũng có những nạn nhân ở Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) hay Dakrông (Quảng Trị) khi chúng tôi tìm hiểu, họ vẫn chưa nhận được khoản trợ cấp này.

Nguyễn Viết Tôn

Bài 2: Công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN