Tiếp tục chương trình công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 20/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Kạn, về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn, khảo sát đời sống sản xuất của nông dân, thăm tặng quà cán bộ chính sách.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm nhà máy sản xuất đồ gỗ của Công ty Cổ phần Shabak. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Trong âm hưởng hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ sự quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội mọi mặt ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã đưa Bắc Kạn từ xuất phát điểm khó khăn, thiếu thốn trở thành địa phương tăng trưởng khá toàn diện trên các mặt: nông lâm nghiệp, hạ tầng, đời sống dân sinh. Chủ tịch cho rằng, sau 16 năm tái lập đến nay, thành công nhất của Bắc Kạn là nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, Bắc Kạn không còn là địa phương đứng cuối bảng thành tích xóa đói, giảm nghèo.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, do xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ bé, nguồn lực của sự phát triển vẫn dựa vào Trung ương. Kết cấu hạ tầng đã chuyển biến nhưng so với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chưa đáp ứng. Các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người cần phải có sự đầu tư tương xứng để phục vụ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài. Bởi vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng 15% như kế hoạch đề ra, tỉnh cần chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn và gắn kết nông nghiệp với công nghiệp chế biến sâu để tạo bước đột phá. Hiện Bắc Kạn còn nhiều dư địa để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Từ hiệu quả của các mô hình công nghiệp thí điểm, tỉnh cần quy hoạch và phát triển thêm các dự án tương tự tại những địa bàn dồi dào về nguyên liệu.
Đánh giá cao nông dân Bắc Kạn trong việc phát triển nông lâm nghiệp, tạo tiền đề tốt cho chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước nêu rõ, tiêu chí về nông thôn mới ở đồng bằng và miền núi khác nhau. Quá trình vận dụng, cán bộ cơ sở cần có cách làm sâu sát, phù hợp; kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm khi vướng mắc; tránh vội vàng, duy ý chí và áp đặt dẫn đến lãng phí.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, lãnh đạo tỉnh báo cáo Chủ tịch nước tổng quan về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh sau 16 năm tái lập. Từ xuất phát điểm "bốn không" (không có đường biên, không đường sắt, không đường thủy, không đường hàng không)..., Bắc Kạn đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng 15 lần so với năm 1997; trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…
Tỉnh ủy Bắc Kạn mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, điều chỉnh một số tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với các tỉnh miền núi, đồng thời bố trí nguồn lực để thực hiện; hỗ trợ kinh phí đáp ứng công tác phát triển, bảo vệ rừng và mở đường lâm nghiệp, phục vụ khai thác gỗ rừng sản xuất; đầu tư xây dựng giao thông, trong đó tập trung nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3, quốc lộ 3B; có chính sách đặc thù hơn nữa để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Kạn.
Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã thăm Nhà máy chế biến gỗ SAHABAK- cơ sở chế biến gỗ lớn nhất tỉnh Bắc Kạn; thăm cánh đồng lúa của thôn Nà Lẹng, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông; thăm và tặng quà gia đình ông Trần Công Ảnh, cán bộ lão thành cách mạng tại thị xã Bắc Kạn.
Hoàng Giang - Nguyễn Trình