Tăng cường các biện pháp phòng chống rét, có các phương án đảm bảo sức khỏe cho người và gia súc... là điều quan tâm hàng đầu hiện nay của nhiều cấp, nhiều ngành.
Có thể rét đậm tới 7-10 ngày
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết: Thời tiết năm nay có những diễn biến khá bất thường, đơn cử như tình trạng rét đậm, rét hại, đến mức có băng tuyết, sương giá như trong những ngày vừa qua. "Hiện tượng tuyết rơi trong tháng 12 là hiện tượng hiếm gặp kể từ năm 1961 tới nay. Thông thường, phải tới tháng 1 và nửa đầu tháng 2, tại các tỉnh miền núi phía Bắc mới xuất hiện tình trạng này", ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Người dân Hà Giang che chuồng trại chắn gió để giữ ấm cho trâu trong những ngày giá rét. Đỗ Bình-TTXVN |
Cũng theo ông Hải, hiện tại, khối không khí lạnh vẫn còn hoạt động mạnh và sẽ liên tục được bổ sung vào các ngày 21, 24, 27/12. Do đó, từ nay đến cuối tháng 12, ở Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện rét đậm, rét hại trên diện rộng; ở các tỉnh vùng núi phía Bắc có băng giá và sương muối. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ cũng xuất hiện rét đậm cục bộ. Đặc biệt, ở Nam Bộ và Tây Nguyên từ nay đến cuối tháng 12 cũng sẽ xuất hiện một số ngày trời chuyển lạnh, thậm chí trời rét về đêm và sáng, nhiệt độ thấp nhất sẽ xuống mức 12 -15oC ở Tây Nguyên, 18 - 20oC ở Nam Bộ.
“Từ nay tới Noel, thời tiết tại các tỉnh phía Bắc trong trạng thái “lạnh khô”, tức là trời quang mây, có nắng nhưng nhiệt độ xuống rất thấp. Nhiệt độ tại các tỉnh miền núi có thể xuống còn vài ba độ, sương muối rét buốt. Riêng Hà Nội, nhiệt độ ngày phổ biến ở mức 16 - 17 độ; ban đêm giảm xuống còn 9 - 10 độ”, ông Lê Thanh Hải cho biết.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Đến thời điểm này, Bộ vẫn chưa cập nhật được số liệu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do đợt rét đậm, rét hại vừa qua gây ra. Tuy nhiên, nhiều diện tích trồng cây vụ đông và hoa tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã bị thiệt hại nặng.
Riêng tại Lào Cai, mưa tuyết và giá rét đã gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Theo ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai: Tuyết rơi trên diện rộng và kéo dài tại các huyện vùng cao Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương... đã gây thiệt hại tới gần 10 tỷ đồng, trong đó, huyện Sa Pa là địa phương thiệt hại nặng nề nhất lên tới 5 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, tính đến ngày 17/12 có gần 20 con gia súc chết rét; gần 50 ha giàn su su tại khu vực Ô Quý Hồ và thị trấn Sa Pa bị sập, khoảng 5 ha cây Actiso tại thị trấn Sa Pa bị gẫy lá. Tại Ý Tý (huyện Bát Xát) có hơn 4.000 ha rừng bị rụng lá, gãy cành và hàng chục ha hoa màu vụ đông tại Mường Khương và Bắc Hà bị vùi lấp. |
Ông Hải cho biết thêm, trong mùa đông xuân 2013- 2014 sẽ có từ 5 - 7 đợt rét đậm, mỗi đợt kéo dài từ 3 - 5 ngày, tập trung chủ yếu vào tháng giêng và nửa đầu tháng 2/2014. Tuy vậy, vẫn không loại trừ sẽ có đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7 - 10 ngày và nhiều khả năng xảy ra trong tháng 1/2014.
Học sinh tránh rét
Thời tiết giá rét kéo theo rất nhiều những "hệ lụy" trong cuộc sống, đồng thời có thể đảo lộn hoạt động của một số ngành, đơn vị. Bởi vậy, việc tăng cường các biện pháp để phòng chống và "thích ứng" với giá rét đang được các ngành tích cực triển khai.
Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trong khung kế hoạch thời gian năm học 2013 -2014 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ không quy định về thời gian cụ thể và thậm chí có sự "du di" trong thời gian của năm học, cho nên trong trường hợp thời tiết rét đậm, rét hại hoặc thiên tai... thì Giám đốc Sở GD - ĐT các địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định việc cho học sinh nghỉ học và phải bố trí học bù. Quy định này của Bộ đã căn cứ vào tình hình thực tế của thời tiết trong những năm gần đây.
Căn cứ vào quy định này của Bộ, trong những đợt rét vừa qua, ngành giáo dục của các tỉnh miền núi phía Bắc đã chủ động tổ chức cho học sinh nghỉ học, đồng thời có những biện pháp để chống rét cho các em học sinh bán trú. Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD - ĐT Lào Cai cho biết, trong đợt rét vừa qua, hàng ngàn học sinh của tỉnh đã phải nghỉ học. Tuy nhiên, đến ngày 19/12, hầu hết học sinh đã trở lại trường. 11 trường mầm non, tiểu học ở huyện Bát Xát cũng tổ chức dạy học trở lại. Sở đã chỉ đạo phòng GD - ĐT các huyện, các trường phối hợp để vận động học sinh ra lớp đảm bảo sĩ số, đồng thời sắp xếp lịch học hợp lý để không ảnh hưởng đến kế hoạch năm học. "Ở các tỉnh miền núi, những vùng bị thiên tai thường sẽ tựu trường sớm hơn vùng đồng bằng để đảm bảo chương trình học. Vì vậy thời gian nghỉ học tránh rét cũng nằm trong dự kiến khung thời gian kế hoạch năm học, nên không ảnh hưởng gì tới việc học tập của các em", ông Anh Ninh khẳng định. Cũng theo ông Anh Ninh, trong đợt rét vừa qua, Sở đã trang bị 170 chăn ấm cho học sinh huyện Si Ma Cai và hàng nghìn phần quà để học sinh vùng cao chống rét.
Còn tại tỉnh Hà Giang, theo ông Vũ Văn Sử, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Giang, khi nhận được thông tin về đợt rét đậm, Sở đã có công văn khẩn gửi tới các phòng GD - ĐT các huyện yêu cầu có những biện pháp đảm bảo sức khỏe cho học sinh cũng như duy trì hoạt động của trường. Cụ thể, trong những ngày do rét đậm, rét hại phải nghỉ học, nhà trường vẫn phải bố trí giáo viên trực để quản lý học sinh (do học sinh vẫn đến trường). Các trường có tổ chức cho học sinh ở bán trú cần quan tâm đặc biệt tới việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ăn uống hợp lý...
Phòng bệnh cho trẻ nhỏ, người già
Không chỉ ảnh hưởng tới việc học hành, đi lại; giá rét cũng là "mối nguy" lớn với sức khỏe, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ và người già, vốn có cơ địa nhạy cảm và sức đề kháng kém. Nhanh chóng nắm bắt tình hình, các cơ sở y tế đã kịp thời triển khai những biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), những đợt lạnh kéo dài như đợt lạnh hơn 10 ngày vừa qua thường khiến trẻ em dễ bị mắc các bệnh lý về viêm đường hô hấp. Đơn cử như đợt vừa qua, số trẻ đến khám, nhập viện tại khoa đã tăng khoảng 20% so với bình thường. Trong đó, chủ yếu là bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, sốt cao, đặc biệt nhiều trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có biến chứng viêm phổi.
Đó cũng là thực tế tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Một bác sĩ khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, trong những ngày rét đậm, rất nhiều trẻ nhập viện do mắc bệnh đường hô hấp trên (viêm mũi, họng) và viêm phổi. "Trong đó, có một số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng là do vệ sinh không đảm bảo, sợ rét nên cha mẹ không tắm cho con. Bởi lẽ, với trẻ nhỏ thì việc thở qua da rất quan trọng nhưng nhiều bậc cha mẹ giữ quá nên không tắm rửa. Nhiều trẻ đưa tới viện, bị sốt mà vẫn bọc kín, nhiều trẻ bị viêm phổi rất nặng”, bác sĩ này cho biết.
Để phòng chống bệnh cho trẻ em trong những ngày rét đậm, theo BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, quan trọng là giữ ấm cho trẻ, không cho trẻ ra ngoài khi trời quá lạnh. Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì cần có các biện pháp giữ ấm cho trẻ. Với những gia đình có điều kiện có thể sử dụng thiết bị sưởi ấm và để thêm một chậu nước để cân bằng độ ẩm trong nhà. Cho trẻ ăn những thức ăn giàu năng lượng để trẻ có thể tăng cường sức đề kháng. Chú ý vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cho trẻ.
Còn theo Ths Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong những ngày rét đậm, người già cần lưu ý phòng bệnh tăng huyết áp và thoái khóa khớp. Để phòng bệnh, người già cần giữ chế độ dinh dưỡng hợp lý. Về mùa đông, người cao tuổi nên được ăn những món nóng, lượng đạm cao một chút. Lượng rau quả tươi cũng nên được chú trọng thường xuyên để chống lại quá trình lão hóa vốn là một quá trình diễn ra tất yếu ở người cao tuổi. Chú ý cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Chú ý nên ăn nhạt, tránh rượu, bia và các chất kích thích... vì những chất này sẽ làm nặng hơn những bệnh lý vốn sẵn có ở người cao tuổi.
Nhóm phóng viên