Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh

Từ ngày 17/3 đến nay, tại tỉnh Sơn La liên tục chịu ảnh hưởng của gió Lào (gió tây nam) khô nóng, có nơi nhiệt độ buổi trưa xấp xỉ 40OC, như các huyện Phù Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La. Do ảnh hưởng của gió Lào, cùng thói quen đốt nương rẫy của bà con, nên nguy cơ cháy rừng ở nhiều nơi rất cao.

Người dân tham gia diễn tập phòng chống cháy rừng ở huyện Sông Mã.


 Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, diện tích rừng trọng điểm dễ cháy hiện nay là 252.800 ha, tập trung chủ yếu ở 4 khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ các công trình thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện Sơn La, rừng phòng hộ dọc lưu vực sông Đà, nhất là các khu rừng nguyên sinh có thảm thực vật dày khô "dễ cháy, khó chữa". Đồng thời, địa hình hết sức phức tạp của miền núi, chỗ cao, chỗ dốc lớn, khiến cho công tác bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) rất khó khăn khi xảy ra cháy.


Tỉnh Sơn La đã kiện toàn 215 đơn vị (Ban Chỉ huy BVR và PCCCR) từ huyện đến xã nhằm tăng cường vai trò của lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách PCCCR của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và các địa phương, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thuộc Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, các ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên.


Ngay từ đầu mùa khô năm 2013, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức về PCCCR rừng, hình thành phong trào thi đua bảo vệ rừng một cách thường xuyên, liên tục và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân vùng có rừng, ven rừng, qua đó giúp đồng bào có ý thức tự giác trong việc bảo vệ rừng nói chung và công tác PCCCR nói riêng. Xây dựng, bổ sung và tổ chức thực hiện hiệu quả quy ước quản lý bảo vệ rừng, PCCCR cấp thôn, bản, cụm dân cư. Xây dựng, sửa chữa bảng dự báo cấp cháy rừng, bảng nội quy, biển báo, bảng cấm chặt phá rừng, cấm lửa, in ấn và phát tài liệu, tờ rơi, băng đĩa... có nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, PCCCR.


 Ngành kiểm lâm cùng với các xã đã xác định địa bàn trọng điểm rừng dễ bị cháy dựa trên kết quả tổng hợp, theo dõi diễn biến cháy rừng hàng năm, xác định được tần suất xuất hiện các vụ cháy phân bổ trên thực địa, trạng thái rừng thường xảy ra cháy và diện tích rừng, vật liệu cháy, khí hậu, điều kiện gây cháy.


 UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, xã trọng điểm có rừng, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ thuật PCCCR, tổ chức diễn tập phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) cho lực lượng PCCCR các cấp, tổ đội quần chúng bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR rừng thôn, bản, cụm dân cư. Các khu rừng trồng, rừng đặc dụng, rừng bảo tồn, rừng phòng hộ phải xây dựng đường băng cản lửa để bảo vệ, tạo vành đai an toàn lửa rừng; lập kế hoạch đầu tư phương tiện, máy móc thiết bị và công cụ PCCCR, tiếp nhận, xử lý thông tin cháy rừng chính xác, kịp thời về vị trí, quy mô đám cháy, loại rừng bị cháy.


Theo số liệu thống kê của ngành kiểm lâm, trong 10 năm từ 2001 đến 2011, tỉnh Sơn La đã xảy ra 341 vụ cháy, diện tích cháy hơn 1.070 ha (mức độ thiệt hại khoảng 20%). Mùa khô năm 2011 - 2012 trên địa bàn tỉnh lại xảy ra 14 vụ cháy rừng, làm thiệt hại khoảng 65 ha rừng tự nhiên (tăng 8 vụ so với mùa khô năm 2010 - 2011). Cháy rừng đã gây tổn thất cho một số địa phương của tỉnh Sơn La không chỉ về tài nguyên thiên nhiên mà còn tổn hại môi trường sống, gây xói mòn, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, làm đất bạc màu, mất nguồn nước ngọt, nguồn chim muông và thú rừng, làm suy thoái tính đa dạng sinh học rừng.


Bài và ảnh: Điêu Chính Tới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN