Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
"Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết".
Như vậy, luật không quy định một mức cấp dưỡng cụ thể là bao nhiêu cho mỗi con. Mức cấp dưỡng này phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai vợ chồng hoặc nếu như không thỏa thuận được thì sẽ căn cứ vào thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Đơn xin ly hôn bạn có thể nộp trực tiếp lên Tòa án nhân dân cấp quận/huyện, không cần phải nộp thông qua UBND cấp xã/phường. Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:
"Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở."
Tất cả các giấy tờ kèm theo đơn ly hôn như: giấy khai sinh, chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... bắt buộc phải chứng thực, do tất cả giấy tờ của bạn nộp đều là bản sao, nếu bạn không chứng thực thì cơ quan nhà nước sẽ không xác định được đó là giấy tờ giả hay thật.
Khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính quy định:
"2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính."
Hi vọng những tư vấn trên có thể giúp ích bạn!