Trong cuộc sống này, dường như ý niệm về thời gian đối với mỗi người không giống nhau. Thời gian cũng vừa rất dài, nhưng đồng thời cũng lại rất xa. Thời gian thoáng qua và biến mất, âm thầm và lặng lẽ… Thời gian qua đi cuốn theo bao kỷ niệm và làm mới lên cuộc sống của biết bao người. Nhưng có lẽ, trong tâm khảm rất nhiều người vẫn còn khắc sâu những hình ảnh êm đềm thân thuộc về một làng quê thanh bình với những phiên chợ quê mỗi sớm mai thức dậy.
Đối với những người Việt Nam, những phiên chợ xưa là một phần trong đời sống văn hóa, là một cái gì đó gần gũi đến thân thương, đi vào tiềm thức của những người dân quê với những hình ảnh hết sức mộc mạc, thân quen và cũng rất tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt… Bởi. chợ quê là nơi lưu giữ những nét văn hóa cũng như tục lệ của người dân nơi đó. Chợ quê gói ghém nhiều hình ảnh thân thương, là chốn mưu sinh của nhiều người dân quê, là tiếng nói của làng và đồng thời cũng là một nét văn hóa của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác.
Chợ quê thường tọa lạc trên một mảnh đất rộng, thích ứng với không gian và nằm ở vị trí trung tâm của làng. Cả người mua và người bán hàng trong chợ đều là dân trong làng, hoặc các làng xung quanh. Sản phẩm ở chợ cũng có đủ thứ, nhưng chủ yếu là các loại rau quả, các loại thực phẩm, đồ vật đem ra trao đổi hoặc bán. Hầu hết các sản phẩm đó đều là “cây nhà, lá vườn” do mồ hôi nước mắt của người dân quê làm ra. Người trong chợ có đủ mọi thành phần. Nam nữ, già trẻ, bình dân, thị dân, nông dân, trí thức,… đều có, chẳng thiếu một ai. Chợ quê thường họp từ tờ mờ đến nửa buổi sáng thì tan. Chợ quê ồn ào và náo nhiệt nhất là vào các dịp lễ, tết khi nhu cầu sử dụng của người dân quê nhiều. Đến đây, bên cạnh tiếng chào hàng, mời mọc thì vẫn còn đó tiếng nói cười râm ran chào nhau, gọi nhau.
Một phần đời sống chân thực của người dân quê được khắc họa và thể hiện khá rõ qua chợ quê. Từ bà bán trầu cau, rau, chè, chuối đến cô bán cá, tương cà, mắm muối, rồi cả đến chị bán vải vóc áo quần, hàng khô, hàng tươi… đã phác họa nên bức tranh muôn màu của chợ quê. Dù là để mưu sinh qua ngày, nhưng chợ quê không phải vì thế mà đơn điệu, lạc lõng với thế giới bên ngoài. Kẻ mua, người bán rất hòa hợp, thuận mua mà vừa bán, tất thảy đều vui vẻ, có khi còn pha trò cười tếu. Tiếng nói chuyện, ở góc nọ, góc kia của chợ, thậm chí cả tiếng chửi nhau của người bán và người mua nhưng ai nấy đều cảm thấy vui lòng mát dạ. Đó là những cảm xúc rất thường nhật, là cái hiện hữu vô hình nhưng lại không thể thiếu của chợ quê. Người dân quê quen mặt hết các bà, các cô và các chị bán hàng, vì họ chẳng phải ai xa lạ, không là người trong làng thì cũng là người làng khác. Mà có là người làng khác thì cũng ngay trong một xã mà họ quen nhau. Vì vậy, hễ hôm nay thấy bà bán rau không đi, cô bán cá hay chị bán thịt vắng mặt người ta lại hỏi thăm nhau. Nếu có sự việc gì ở làng xóm mà trong nhà chưa tường thì ngoài chợ đã hay. Do đó, người làng đi chợ bên cạnh mục đích là đi chợ mua thức ăn cho gia đình còn là dịp để họ gặp nhau, hỏi thăm nhau, hay chỉ đơn thuần là biết chuyện nhà khác. Hầu hết câu chuyện chỉ xoay quanh con trâu, mảnh ruộng, chuyện nhà nông, hay cả chuyện gia đình nhà này, nhà nọ....
Tuy nhiên, chợ quê không còn nhiều như trước đây, nếu có cũng chỉ vì mục đích trước mắt, nhiều chợ quê cũng đã được phục dựng nhưng còn mang tính hình thức, gượng ép, không xuất phát từ ý nguyện thực của người dân. Có lẽ, chính nền kinh tế thị trường đã khiến nhiều chợ quê đang dần bị mai một và có dấu hiệu lu mờ, thay vào đó là những phố thị, những chợ lớn và các siêu thị cao ốc hiện đại mọc lên. Nhưng có một điều mà các chợ lớn và siêu thị hiện nay không thể và mãi mãi không thay vào đó được: Đó là tình làng, nghĩa xóm thắm đượm của chợ quê.
Dương Văn Út